Thúc đẩy kết nối giao thông liên vùng

TP Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Với vai trò này, việc kết nối giao thông trong vùng, đặc biệt là kết nối giao thông với các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, giao thương, du lịch... giúp các địa phương ngày càng phát triển.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi nói về nhu cầu kết nối giao thông để phát triển tứ giác kinh tế TP Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bình Dương-Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện tại, Quốc lộ 13 đang là trục đường huyết mạch kết nối TP Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước.

Tuy nhiên, tuyến đường này đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh (cơ sở 2), nhiều đoạn nhỏ hẹp, người dân buôn bán tràn xuống lòng đường, giờ tan tầm xảy ra tình trạng ùn tắc.

Quốc lộ 13 dự kiến sẽ được mở rộng đáp ứng yêu cầu phát triển. Ảnh: KIẾN GIANG

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở khẩn trương nghiên cứu, tham mưu danh mục các công trình giao thông theo thứ tự ưu tiên để tập trung đầu tư, hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; đồng thời nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các loại hình giao thông công cộng phù hợp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Việc kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương, mà trực tiếp là giữa TP Thủ Đức với TP Thuận An và TP Dĩ An được nhiều sở, ngành liên quan đồng thuận đề xuất các phương án thực hiện trong thời gian tới. Theo đồng chí Hồ Quang Điệp, Bí thư Thành ủy TP Dĩ An, kết nối giao thông giữa 3 thành phố sẽ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương, mở rộng không gian, dư địa phát triển, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện các dự án giao thông kết nối kể cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, chú trọng các dự án nâng cấp cầu, nút giao, trục đường giao thông...

Đối với tỉnh Đồng Nai, hiện tại ngoài Quốc lộ 51, tuyến đường sắt đô thị (metro số 1) từ TP Hồ Chí Minh đang được tỉnh Đồng Nai đề nghị kéo dài đến khu vực xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Cùng với đó, dự án xây dựng cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), được xem là một phần quan trọng trong dự án thành phần 1A của tuyến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đã được khởi công cách đây gần một năm...

Như vậy, các tuyến giao thông kết nối vùng đã và đang được TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh bàn bạc, thống nhất phương án triển khai theo lộ trình. Hoàn thành các dự án này, hệ thống giao thông trong vùng sẽ bảo đảm tính liên hoàn, kết nối các địa phương, mở ra lợi thế lớn để khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, thành phố, thúc đẩy phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, thiết thực phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

HUY NAM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-ket-noi-giao-thong-lien-vung-740420