Thúc đẩy khởi nghiệp – chìa khóa phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong bối cảnh nguồn lực cho thực hiện chính sách dân tộc ngày càng khó khăn, việc thúc đẩy khởi nghiệp đang được xem là hướng tiếp cận mới để giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến thăm gian hàng của chủ doanh nghiệp là người DTTS tại Diễn đàn Phát triển DTTS năm 2017 với chủ đề “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp”, được tổ chức ngày 16-5-2017 tại Hà Nội. Ảnh: Bích Nguyên

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS&MN. Bên cạnh những thành tựu đạt được, vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất. Qua kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN vẫn còn 23,1% (cao gấp 3,3 lần mức bình quân chung của cả nước), cá biệt một số nhóm dân tộc có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi không thể chỉ trông đợi vào các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mục tiêu phát triển bền vững miền núi và vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn hiện nay cần phải tập trung nhiều hơn vào việc phát huy nội lực của chính người dân ở khu vực này”.

Tiềm năng lớn để khởi nghiệp

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định: “Đồng bào DTTS có thể lập nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu từ những tiềm năng và lợi thế của chính cộng đồng nơi họ đang sinh sống”. Trước hết là về khung pháp lý, Việt Nam hiện có hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS&MN khá đầy đủ.

Cũng theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, vùng DTTS&MN của Việt Nam là nơi sinh sống chủ yếu của 53 DTTS, là vùng đa dạng sinh học, vùng sinh thái có lợi thế về sản xuất cây trồng, vật nuôi đặc sản, cây dược liệu; là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS, có nhiều danh lam thắng cảnh để kinh doanh du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Có thể nói, với một địa bàn rộng lớn, có nhiều tài nguyên, sản vật phong phú, sự đa dạng văn hóa cùng với sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS cần được nhìn nhận như là vùng đất của cơ hội phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất kinh doanh cây trồng, vật nuôi đặc sản, cây dược liệu và khai thác bản sắc văn hóa để phát triển du lịch...

Ông Hà Việt Quân, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế, UBDT, Tổ trưởng Tổ công tác 569 (tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT về kết nối, nghiên cứu, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp) cho biết: Việt Nam hiện có 153 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc hỗ trợ đồng bào DTTS. Kết quả rà soát cho thấy, hệ thống chính sách khá đầy đủ, từ hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tăng cường năng lực, tài chính, tín dụng, thương mại đến trợ giúp pháp lý, tư vấn... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho các nhóm người DTTS có cơ sở pháp lý, huy động vốn để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS còn có nhiều lợi thế trong việc khai thác các tiềm năng sẵn có của chính nền văn hóa và điều kiện tự nhiên của khu vực họ đang sinh sống.

Đồng hành cùng UBDT trong rất nhiều chương trình, dự án giảm nghèo, ông Achim Fock, quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, đồng bào DTTS có tiềm năng khởi nghiệp không chỉ trong cộng đồng của họ mà còn cả ở bên ngoài. “Sự đa dạng văn hóa, những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời cùng với hệ đa dạng sinh học của vùng đồng bào DTTS hoàn toàn có thể khai thác để tạo ra của cải” – Ông Achim Fock nhấn mạnh.

Để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng: “Nếu chúng ta cứ thực hiện giảm nghèo mãi cũng không ổn. Cùng với giảm nghèo phải tăng giàu. Ở vùng đồng bào DTTS, chỉ khi nào chúng ta xây dựng được một bộ phận đi trước, tiên phong, có khả năng thì họ sẽ quay lại, với bàn tay để dắt những người tiếp theo đi cùng họ tiến lên phía trước và thực hiện được khẩu hiệu “Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thực tế, Việt Nam tập trung khá nhiều nguồn lực vào nhóm nghèo và cận nghèo vùng DTTS mà chưa chú ý đầu tư cho phần đông người DTTS còn lại. Việc giúp người nghèo mới chủ yếu giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Còn việc thúc đẩy khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS sẽ mang lại nhiều lợi ích, như phát triển kinh tế, tăng thu nhập, phát triển nguồn nhân lực và giải quyết các bài toán về tạo việc làm, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa... Vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy đồng bào DTTS khởi nghiệp và thực hiện khởi nghiệp thành công. Giải quyết vấn đề này, UBDT đã rà soát các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, khảo sát nhu cầu, khơi dậy ý tưởng sản xuất kinh doanh của đồng bào, đồng thời tổ chức kết nối, hỗ trợ đồng bào DTTS, trong đó, hoạt động mới nhất là tổ chức Diễn đàn “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp”, ngày 16-5 vừa qua.

Tại diễn đàn này, chia sẻ về khởi sự kinh doanh, bà Nguyễn Thị Huyền, Điều phối viên Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho biết, để khởi sự kinh doanh cần có khát vọng và động lực, có kiến thức và kỹ năng, trong đó không thể thiếu môi trường hỗ trợ, nguồn vốn và có sự tiếp thị về thị trường. Bên cạnh đó, cần thiết có đối tác công – tư – cộng đồng trong khởi nghiệp. Còn ông Achim Fock thì lưu ý: “DTTS Việt Nam không phải là nhóm đồng nhất. Vì vậy, Việt Nam cần hiểu rõ hơn đặc trưng của từng nhóm DTTS để có thể hiểu rõ hơn và có chính sách cho từng nhóm dân tộc khác nhau”.

“Chúng ta hãy nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh, tự tin phát huy nội lực, chia sẻ thông tin, kết nối hợp tác và hành động quyết liệt. Chỉ có làm và thông qua những việc làm thực tế thì chúng ta mới rút ra được những điều chúng ta cần bổ sung, hoàn thiện. Còn nếu chúng ta chỉ nói thì nó chỉ đọng lại trong tư duy mà thôi”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chuyển thông điệp tới các bạn trẻ vùng DTTS.

UBDT đã xây dựng “Kế hoạch hành động hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp và kết nối hợp tác” bằng các nguồn lực xã hội “công – tư – quốc tế”. Với mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”, bản kế hoạch này tập trung vào các nội dung: Xây dựng cơ sở dữ liệu các tổ chức khởi nghiệp và truyền thông; nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp; tăng tốc khởi nghiệp, phát triển thị trường; thành lập mạng lưới đối tác hỗ trợ khởi nghiệp và đối thoại chính sách”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để bản kế hoạch sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy khởi nghiệp của đồng bào DTTS. Ông nói: “Chúng ta cần đi từng bước vững chắc. Trong 1-2 năm tới cố gắng có khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và chúng ta sẽ tổ chức nhiều diễn đàn hơn để chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Trước mắt, cần lập một trang web để kết nối những ý tưởng kinh doanh, đồng thời tổ chức một nhóm chuyên gia gồm nhà quản lý, nghiên cứu và doanh nghiệp thành công để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với những người mới bước vào khởi nghiệp”.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thuc-day-khoi-nghiep-chia-khoa-phat-trien-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui/