Thúc đẩy kinh tế hợp tác xã

Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề 'Liên kết, hợp tác cùng phát triển - xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0' tổ chức ngày 11-12 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phát triển hợp tác xã là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, nhằm hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo… Thời gian tới, các cơ quan chức năng và địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã.

Chăm sóc đàn lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam

Nhiều "khởi sắc" nhưng còn khó khăn

Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước đã hình thành nhiều loại hình, mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Hợp tác xã Chăn nuôi - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là một ví dụ. Quy mô chăn nuôi 22ha với 3.000 lợn nái, 70.000 lợn nuôi thịt, mỗi năm, hợp tác xã cung cấp 3.000 tấn thịt lợn hơi ra thị trường, doanh thu khoảng 200 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 60 lao động với mức lương 5,5 triệu đồng/người/tháng trở lên… Tương tự là Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài Bùi Bích Hường cho biết, với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hằng năm, hợp tác xã cung ứng cho thị trường 250.000 cây hoa các loại (chủ yếu là lan hồ điệp); doanh thu đạt 7 tỷ đồng/năm…

Về sự phát triển của hợp tác xã trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, các hợp tác xã đã có bước phát triển đáng kể. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã, thu hút 8,1 triệu thành viên; trong đó 96% hợp tác xã đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012; có hơn 500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn hơn 5 tỷ đồng, doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm; một số hợp tác xã đạt doanh thu 100 tỷ đồng/năm... Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết thêm, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp khoảng 4,8% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP)...

Tuy nhiên, hiện phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu vốn phát triển. Đặc biệt, việc gắn kết lợi ích giữa các thành viên chưa cao, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào hợp tác xã còn hạn chế. Không ít hợp tác xã hoạt động thiếu hiệu quả, thậm chí phải giải thể. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, nguyên nhân là do cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hợp tác xã; việc tiếp cận chính sách của hợp tác xã còn khó khăn vì vướng thủ tục; thiếu nguồn lực, nguồn vốn…

Đồng bộ giải pháp thúc đẩy phát triển

Để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian tới nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các thể chế phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Theo đó, sẽ rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật, các luật liên quan về thuế, đất đai, bảo hiểm, ngân hàng...; đồng thời bổ sung, sửa đổi chính sách hỗ trợ ưu đãi, thúc đẩy phát triển hợp tác xã…

Về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thông tin, Liên minh đang kiến nghị Nhà nước và các bộ, ngành sớm ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trung ương và địa phương, tạo điều kiện cho quỹ này phát triển, nâng nguồn vốn để hỗ trợ vay tối đa cho các hợp tác xã.

“Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ phối hợp các cơ quan, địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn cho các hợp tác xã về các kỹ năng quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; nắm bắt các quy định, quy luật thị trường; đồng thời hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để các hợp tác xã đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Với thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Nguyễn Trung Thành cho biết, hiện số lượng thành viên của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn thành phố là 603.300 thành viên (chiếm tỷ lệ 6% tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể của cả nước). Giai đoạn 2020-2025, Liên minh Hợp tác xã thành phố đặt mục tiêu phát triển mới 4.000 hộ gia đình, cá nhân tham gia làm thành viên của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; phát triển mới 250 tổ hợp tác, 300 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã; 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả... Để tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, đơn vị sẽ kiến nghị thành phố bố trí nguồn hỗ trợ tại kế hoạch ngân sách dài hạn, trung hạn, hằng năm của thành phố. Đồng thời, mỗi năm sẽ tư vấn, hỗ trợ xây dựng 10 mô hình hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao...

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/986641/thuc-day-kinh-te-hop-tac-xa