Thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

Cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/5/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã phê duyệt 72 danh mục các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

HTX Nông nghiệp Quyết Thanh (Mộc Châu) sơ chế mận để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Từ những chính sách của TW và của tỉnh, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp, HTX đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh doanh bền vững.

Gỡ khó, chuyển hướng sản xuất

Sơn La có trên 350.000 ha đất nông nghiệp với nhiều sản phẩm có lợi thế. Trước đây, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; việc tích tụ diện tích đất để hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác còn nhiều khó khăn; sản xuất nông nghiệp chưa theo nhu cầu của thị trường. Phần lớn nông dân chưa quen thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm cũng như chưa áp dụng triệt để các kỹ thuật được khuyến cáo; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất còn thiếu và yếu... khiến sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày càng khó khăn, hiệu quả thấp. Chính vì vậy chưa tạo được mối liên kết giữa nông dân sản xuất và doanh nghiệp; chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nên một số nông sản rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”.

HTX Nông nghiệp Quyết Thanh (Mộc Châu) sơ chế mận xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng sản phẩm nông sản an toàn... Tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi nông sản như Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 và Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 của HĐND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn... Đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/5/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã phê duyệt 72 danh mục các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm...

Chuỗi liên kết đảm bảo đầu ra cho nông sản

Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu) không còn lo chuyện đầu ra cho sản phẩm nhờ liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX cho biết: HTX chúng tôi có 7 thành viên với 14 ha xoài, 70% diện tích được sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, HTX đang liên kết với 30 hộ dân khác của bản canh tác 30 ha xoài theo quy trình VietGAP. Chúng tôi luôn tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Năm 2020, doanh thu HTX đạt 3 tỷ đồng, doanh thu từ liên kết đạt 6 tỷ đồng. Năm 2021, ngoài 2 đầu mối tiêu thụ nông sản đã có truyền thống từ những năm trước, chúng tôi đã gửi mẫu chào hàng tới nhiều doanh nghiệp và mời gọi thêm được 2 đầu mối khác tại tỉnh Lạng Sơn và thành phố Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm xoài sang thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Còn HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú (Mường La), nhờ việc ký hợp đồng với các siêu thị như BigC, AEON, Lotte Mart, các sản phẩm của HTX được bao tiêu theo đúng giá cam kết, không lo rớt giá. Anh Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX cho biết: Theo hợp đồng ký kết, mỗi tháng chúng tôi sẽ cung cấp cho hệ thống các chuỗi siêu thị khoảng 150 tấn rau, củ, quả các loại. Ngoài việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các thành viên HTX, chúng tôi đã liên kết với khoảng 15 HTX trên địa bàn tỉnh như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, HTX dâu tây Xuân Quế, HTX Ngọc Lan, HTX dịch vụ nông nghiệp Nà Cang... Yêu cầu thành viên HTX sẽ phải thực hiện đúng quy trình canh tác, tạo ra các sản phẩm an toàn về chất lượng. Mỗi tháng, doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ nông dân, HTX trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: Các doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả liên kết sản xuất, tiêu thụ với các cơ sở chế biến nông sản, hệ thống siêu thị và các tổ chức, cá nhân xuất khẩu nông sản; Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 580 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa; hàng trăm hộ sản xuất ngô để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR; 16 cơ sở, nhà máy chế biến chè đã ký kết trên 7.000 hợp đồng về liên kết sản xuất và tiêu thụ chè...

Kết nối doanh nghiệp, HTX và nông dân

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 9.500 ha rau, sản lượng 131.000 tấn; 37.000 ha sắn, sản lượng 433.231 tấn; 8.770 ha mía, sản lượng 570.323 tấn; trên 17.800 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân đạt 25.518 tấn; gần 5.500 ha chè, hơn 78.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng 336.000 tấn mỗi năm... Chăn nuôi đang phát triển theo xu hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn. Toàn tỉnh đang hỗ trợ duy trì, phát triển 197 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.

Tỉnh đã thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên kết với các HTX trong phát triển vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, gắn với đầu tư nhà máy chế biến nông sản, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu, như: Công ty Cánh Đồng Vàng, Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Green Path Việt Nam, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao... Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang tiếp tục lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm chất lượng gắn với thị trường; đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là các doanh nghiệp chế biến sâu. Từ việc liên kết, tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hầu hết các HTX và người dân đã chú trọng đến hình thức liên kết chuỗi giá trị do doanh nghiệp đầu tư vốn, phân bón, giống, công nghệ, kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm. Đây thực sự là mô hình liên kết phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, thuận lợi đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu bền vững và đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Thành viên HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) bao trái xoài.

Để chuẩn bị cho tiêu thụ và xuất khẩu năm nay, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã ký biên bản cam kết với UBND tỉnh sẽ thu mua 20.000 tấn xoài của tỉnh Sơn La theo giá thị trường và không thấp hơn giá thành sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết: Dự kiến, cuối năm 2021, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La đi vào hoạt động và có thể tiêu thụ 500 nghìn tấn rau quả các loại mỗi năm. Hiện, Doveco Sơn La đang tập trung phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát quỹ đất, xây dựng vùng nguyên liệu với trên 13.000 ha gồm nhiều loại cây ăn quả và rau các loại dựa trên các đặc điểm về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng khác nhau.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thông tin: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp tại địa phương... Đồng thời, tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp để khâu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Để việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thực sự phát triển bền vững thì các ngành, địa phương cần có kế hoạch phát triển cụ thể, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, tạo cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực tham gia tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thuc-day-lien-ket-san-xuat-gan-voi-tieu-thu-nong-san-39788