Thúc đẩy liên kết trong ngành gỗ ASEAN

Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành gỗ trong khối ASEAN sẽ giúp khai thác tối đa chuỗi giá trị ngành gỗ trong khu vực, qua đó tạo ra sự thịnh vượng chung của ngành gỗ Đông Nam Á.

Ngành gỗ đang nỗ lực thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội trong khối ASEAN

Ngành gỗ đang nỗ lực thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội trong khối ASEAN

Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) và Hội đồng công nghiệp nội thất Đông Nam Á (AFIC) tổ chức Diễn đàn “Sức hút thị trường ASEAN” với sự tham dự của đông đảo DN ngành gỗ Việt Nam, đại diện Bộ Công thương và hơn 40 doanh nghiệp đến từ 7 Hiệp hội thành viên AFIC: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippine, Myanmar, Lào.

Với dân số hơn 600 triệu người, Đông Nam Á là thị trường đồ gỗ tiềm năng lớn của châu Á và thế giới với sức mua lớn. Thống kê của Global Furniture cho thấy mức tiêu thụ đồ nội thất của Đông Nam Á năm 2018 tăng 18%. Đây cũng là khu vực có ngành chế biến gỗ phát triển với Việt Nam là quốc gia dẫn đầu.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho biết, thị trường nội thất ASEAN có sự tương đồng cao về thị hiếu và nhu cầu mua sắm, giao thông thuận lợi khi là cửa ngõ lưu thông hàng hóa giữa châu Á – Âu – Trung Đông – Mỹ- Úc với nhiều cảng biển lớn, thuận lợi cho xuất nhập khẩu với toàn cầu. Cùng với đó, sự phát triển thần tốc của thị trường bất động sản, gia tăng thị dân và nhà ở, đầu tư khu nghỉ dưỡng, du lịch… tại ASEAN cũng kéo theo nhu cầu nhà ở, nội – ngoại thất. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp có thể khai thác.

Để khai thác tiềm năng này, ông Khanh cho rằng việc hợp tác – liên kết – liên minh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và giữa doanh nghiệp và hiệp hội trong khối sẽ tạo ra sự thịnh vượng chung của ngành gỗ Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và nội thất trong nội khối ASEAN hiện ở mức rất thấp, chỉ 730 triệu USD. Trong khi hàng năm khu vực này nhập khẩu tới 3,3 tỷ USD các sản phẩm đồ gỗ và nội thất. Con số này cho thấy cơ hội gia tăng xuất khẩu nội khối để thay thế hàng nhập khẩu còn rất lớn. Bên cạnh đó, liên kết hợp tác trong ngành gỗ ASEAN còn giúp khai thác tối đa thế mạnh của các quốc gia trong khối. Qua đó gia tăng chuỗi giá trị của ngành gỗ ASEAN.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra những cơ hội gia tăng thương mại đồ gỗ và nội thất trong khu vực ASEAN trong xu thế phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử; xu hướng tiêu dùng của nhóm dân số trẻ tại ASEAN.

Theo các chuyên gia, ngành gỗ ASEAN đã và đang có những ứng phó tích cực nhằm đáp ứng với các thay đổi từ thị trường toàn cầu, bao gồm các cơ chế chính sách ở cấp quốc gia và thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh cấp doanh nghiệp. Trong đó, các thành viên AFIC đang nỗ lực thúc đẩy mối liên kết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Việt Nam, giữa doanh nghiệp nội khối, liên minh giữa các Hiệp hội thành viên vì một ngành gỗ ASEAN thịnh vượng, bền vững.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuc-day-lien-ket-trong-nganh-go-asean-116030.html