Thúc đẩy liên kết vùng, phát triển bền vững nông nghiệp

Mục tiêu phát triển Vùng KTTĐPN trở thành vùng kinh tế động lực đầu tàu, phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững. Trong đó, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức sản xuất và kỹ thuật hiện đại. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng vùng thành trung tâm giống quốc gia với các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đầu mối tiếp nhận, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh và đặc trưng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tính liên kết các địa phương trong vùng gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang để thúc đẩy phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Vùng KTTĐPN cũng như cả nước chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chỉ chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 90% số DN nhỏ và vừa với số vốn dưới 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 80% số DN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và áp dụng nông nghiệp. Hầu hết DN nông nghiệp đều là DN nhỏ và vừa, chiếm số lượng lớn là các hợp tác xã (HTX).

Phó Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Từ Minh Thiện cho biết: “Một trong những khó khăn để phát triển nông nghiệp là hạn chế về vốn đầu tư, nhất là nhu cầu vốn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Chi phí đầu tư cho 1 ha nhà màng dao động từ 2,5 đến 6 tỷ đồng tùy theo trang thiết bị. Chỉ tính riêng cho sản phẩm dưa lưới, với diện tích phát triển tại các địa phương trong vùng cho khoảng 240 ha thì nhu cầu vốn đầu tư cần từ 600 - 1.140 tỷ đồng. Với tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp chiếm 60% tổng diện tích đất của vùng, chỉ cần chuyển được 1% trong số 1,843 triệu ha sang sản xuất nông nghiệp CNC, vùng sẽ có hơn 18.430 ha đất sản xuất với năng suất, sản lượng và hiệu quả sẽ rất cao. Điều này cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn. Đối tượng chuyển đổi sang ứng dụng CNC trong nông nghiệp là các DN nhỏ và vừa, HTX sẽ góp phần rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích cũng như thu nhập của nông dân”.

Ở cấp độ địa phương, các tỉnh và thành phố trong vùng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích và phát triển nông nghiệp. Các chính sách về nông nghiệp của thành phố thời gian qua là thí dụ khá hiệu quả cho việc cung ứng vốn và hỗ trợ lãi vay trong sản xuất nông nghiệp. Thạc sĩ Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định: “Thành phố đã thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác nông nghiệp với các địa phương trong vùng thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN thành phố đến các tỉnh tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư phát triển ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn 2010-2017, đã có 11 DN của thành phố đến đầu tư sản xuất nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư hơn 1.215 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có một số mô hình liên kết giữa DN và hộ chăn nuôi tập trung tại tỉnh Tiền Giang. Qua phân tích thực trạng liên kết phát triển ngành nông nghiệp giữa thành phố và các tỉnh cho thấy, thành phố đã tận dụng tốt lợi thế so sánh về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh trong vùng. Ngược lại, các tỉnh trong vùng đã tận dụng tốt thế mạnh về sản xuất các sản phẩm cây lương thực, gia súc, gia cầm, thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho thành phố”. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhìn nhận, lượng sản phẩm tham gia mô hình chuỗi thực phẩm an toàn trong hoạt động liên kết phát triển ngành nông nghiệp giữa thành phố và các địa phương còn ít.

Thạc sĩ Lê Anh Thùy, chuyên viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TP Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: “Một trong những giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp vùng chính là phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC, gia tăng sản lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là giải pháp chuyên môn hóa giữa các địa phương trong vùng, tập trung khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ khâu đầu tư sản xuất đến tiêu thụ. Giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho toàn vùng, tận dụng nguồn lực sẵn có của mỗi địa phương, tạo động lực phát triển vùng bền vững”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/39057602-thuc-day-lien-ket-vung-phat-trien-ben-vung-nong-nghiep.html