Thúc đẩy ngành nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng trở lại

Những tháng đầu năm, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngành nông nghiệp Hà Nội gặp nhiều khó khăn, tác động tới các mục tiêu phát triển của ngành trong năm 2020.

Từ đó đặt ra yêu cầu cho ngành nông nghiệp Thủ đô phải vừa thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, chuyển đổi diện tích cây trồng, đẩy mạnh chăn nuôi, bảo đảm duy trì tăng trưởng, vừa chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thành phố trong mọi điều kiện dịch bệnh.

Tăng trưởng ngành nông nghiệp sụt giảm

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hà Nội Chu Phú Mỹ: Trong quý I-2020, tăng trưởng nông nghiệp Thủ đô giảm 1,17% so với cùng kỳ; trong đó, nhóm ngành trồng trọt giảm 0,6%, chăn nuôi giảm 2,83%, riêng thủy sản tăng 7,3%. Nguyên nhân là do trong quý I, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế nhưng thành phố vẫn gặp khó khăn trong công tác tái đàn lợn. Tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố chỉ đạt 1,1 triệu con, giảm 31,25% so với cùng kỳ, còn sản lượng đạt 51.000 tấn, giảm 41,22% so với cùng kỳ. Cùng với đó, diện tích gieo trồng cây vụ đông giảm khoảng 10% so với vụ đông năm ngoái. Diện tích gieo trồng cây vụ đông năm nay giảm do tính hiệu quả kinh tế trong sản xuất không cao so với các ngành nghề phi nông nghiệp. Mặt khác, một số chính sách hỗ trợ sản xuất tại một số địa phương cắt giảm nên nhiều hộ gia đình chuyển đổi nghề nghiệp hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Một số địa phương có ngành nghề phụ, gần các điểm sản xuất công nghiệp đã thu hút lượng lao động lớn làm công nhân nên thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân mua sắm tối thiểu nhu yếu phẩm thiết yếu nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của ngành. Tuy sụt giảm chung nhưng ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn có nhiều điểm sáng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và gia cầm với sản lượng thủy sản đạt 27.000 tấn, tăng 4,25%, gia cầm đạt 33,5 triệu con, tăng 17,54% so với cùng kỳ năm 2019.

 Thu hoạch rau an toàn trồng trong nhà lưới tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Thu hoạch rau an toàn trồng trong nhà lưới tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội cũng cho hay, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đề ra các mục tiêu và các giải pháp để phát triển từ nay đến cuối năm; đề xuất những chính sách để UBND thành phố xem xét hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng: Kịch bản 1 là tăng 4,12%; kịch bản 2 là tăng 3,99% và kịch bản 3 là tăng 3,69%. Căn cứ vào các dư địa chưa khai thác hết, trong năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu diện tích sản xuất lúa vụ mùa đạt 89.500ha; tổng đàn lợn đạt 1,8 triệu con; đàn gia cầm đạt 38 triệu con; nuôi trồng thủy sản tăng 6,26% so với cùng kỳ...

Nông nghiệp cần đóng vai trò là bệ đỡ cho nền kinh tế

Đánh giá về công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, việc tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn diễn ra còn chậm, phát triển kinh tế nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Với hơn 50% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, hơn 12% lao động trên địa bàn thành phố đang làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhưng đóng góp của nông nghiệp chỉ bằng 2% GRDP của thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị các cấp, ngành thành phố cần quán triệt rõ tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là vấn đề chiến lược. Nông nghiệp cần là bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh kéo dài.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu ngành nông nghiệp thành phố, các huyện, thị xã phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tái đàn lợn lên mức 1,8 triệu con như trước khi có dịch để đáp ứng nguồn cung, góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng; tăng cường sản xuất thêm rau, củ, quả. Cùng với đó, tận dụng đất đai các khu công nghiệp và đất dự án hoặc đất công nghiệp chưa được khai thác hiệu quả, bỏ hoang để có kế hoạch sử dụng triệt để nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thành phố. Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban cán sự đảng UBND thành phố cần khẩn trương chỉ đạo rà soát lại tình hình sử dụng đất nông nghiệp; có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, tránh tình trạng ruộng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất. Bên cạnh đó, UBND thành phố nghiên cứu, huy động lực lượng thanh niên xung phong phát triển kinh tế nông nghiệp; thu hút lực lượng lao động thất nghiệp ở đô thị về nông thôn. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” xem xét, đề xuất tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố cần tiếp tục phát huy sự chủ động trong việc giúp đỡ, hướng dẫn nông dân vượt qua khó khăn, tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng; đẩy mạnh khai thác vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân hợp tác, liên kết, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành hợp tác xã kiểu mới.

Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-nganh-nong-nghiep-thu-do-tang-truong-tro-lai-618141