Thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Nhằm góp phần phát huy lợi thế kinh tế của vùng, đặc biệt là kết nối giữa các doanh nghiệp trong vùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tạo hiệu quả lan tỏa cho Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, chiều 27-9, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn: Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn: Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 37 và ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện và là hình mẫu phát triển xanh của cả nước.

Các đại biểu chủ trì diễn đàn.

Dự kiến có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc;...

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1-8-2022 với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đồng thời đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể, 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện với lộ trình thời gian cụ thể.

Theo chia sẻ của Phó chủ tịch VCCI, trong Nghị quyết của Đảng và Nhà nước nói tới rất nhiều điểm “mới”. Với tư duy mới, tầm nhìn mới, lộ trình phát triển mới, vận hội mới… chính là nền tảng quan trọng, giúp “vùng lõi nghèo” miền núi Bắc Bộ phát triển đột phá trong thời gian tới.

Quang cảnh diễn đàn.

Theo ông Trương Đức Trọng, Ban Pháp chế VCCI, một nhà đầu tư khi đến với địa phương cần rất nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng cho đến các vấn đề về chính sách và các hoạt động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy, môi trường đầu tư kinh doanh tại khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ rất được quan tâm.

Ông Trương Đức Trọng cho rằng, cần phải tăng cường liên kết ngành trong các hoạt động về môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, liên kết trong thương mại, liên kết về hạ tầng giao thông, logistics và phát triển chuỗi cung ứng…

Tin, ảnh: HẢI YẾN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuc-day-phat-trien-ben-vung-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-744598