Thúc đẩy phát triển các hợp tác xã

Thực hiện Chương trình hỗ trợ, phát triển hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hình thành, phát triển các HTX theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của kinh tế thị trường.

Hoạt động sản xuất của HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều).

Hoạt động sản xuất của HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều).

Theo báo cáo của các ngành chức năng, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 466 HTX, tăng 107 HTX so với năm 2015. Trong đó có 288 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 60 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ... Thu nhập bình quân của lao động đạt gần 67 triệu đồng/người/năm, tăng trên 43 triệu đồng so với năm 2015.

Để đảm bảo các HTX trên địa bàn được hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đặc thù của tỉnh, như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường; chương trình OCOP... Hằng năm, UBND tỉnh đều giao cho Liên minh HTX, Chi cục Phát triển nông thôn mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên HTX.

Ông Vũ Công Lực, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Từ năm 2015-2018, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương, tổ chức được 96 lớp tập huấn, bồi dưỡng, với sự tham gia của gần 2.500 lượt học viên là các thành viên HTX trên địa bàn tỉnh. Nội dung các lớp tập huấn, bồi dưỡng này tập trung vào quản trị HTX, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thực hiện ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện đăng ký nhãn mác, tạo lập thương hiệu cho sản phẩm.

Các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay đều được hưởng các chính sách hỗ trợ, như: Hỗ trợ triển khai nhiệm vụ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đăng ký nhãn hiệu thông thường; đăng ký nhãn hiệu có gắn với địa danh; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường; thành lập HTX... Thông qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều HTX trên địa bàn đã khắc phục được tình trạng thiếu năng lực quản trị, huy động được nhiều hơn nguồn lực trong các hội viên và nâng cao hơn chất lượng dịch vụ, sản phẩm đầu ra.

Trồng hoa tại HTX Rau, hoa Đồng Chè (thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ).

HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều), là một trong những đơn vị được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển HTX và các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, đã đổi mới phương pháp quản trị, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong, cho biết: Ngoài việc được hỗ trợ các chính sách khuyến khích phát triển HTX của tỉnh, HTX còn được cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến địa phương giới thiệu hợp tác cùng các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, sản xuất, đóng gói bao bì sản phẩm. Hiện tại chúng tôi đang triển khai ký kết hợp tác với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ, chuyển giao công nghệ bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

Không chỉ có HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong được hỗ trợ, mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư dây chuyền công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn nhiều HTX khác, như: HTX Quế Sơn (Hoành Bồ) được hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất lá tắm của người Dao; HTX Dược liệu xanh Đông Triều được hỗ trợ lắp đặt dây chuyền sản xuất nước giải khát ba kích; HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Thái An (Móng Cái) được hỗ trợ dây chuyền chế biến tỏi đen; HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Yên Đức (Đông Triều) được hỗ trợ đầu tư máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp...

Đóng gói tinh bột nghệ ở HTX Nông dược xanh Tinh Hoa.

Trong báo cáo mới đây gửi Bộ KH&ĐT về xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo UBND tỉnh đề xuất, hằng năm Quảng Ninh sẽ có từ 50-80 HTX được UBND xã, phường chứng thực hoạt động. Đến năm 2025 sẽ có khoảng 350-400 HTX nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất từ một HTX dịch vụ tổng hợp điển hình hoạt động có hiệu quả theo Luật HTX năm 2012 và làm điểm của Chương trình OCOP trong việc tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu địa phương.

Như vậy, để đạt được kế hoạch đề ra, các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh cần nhanh chóng tham mưu những chính sách hỗ trợ vốn vay thông thoáng và cao hơn hiện tại. Đặc biệt, các HTX cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về cơ chế thị trường, mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm việc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong các khâu sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ.

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201908/thuc-day-phat-trien-cac-hop-tac-xa-2451223/