Thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

Qua hơn 5 năm triển khai Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) - Hợp phần phát triển lúa gạo bền vững đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ, đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển chuỗi ngành hàng lúa gạo bền vững. Dự án đang tiếp tục được triển khai tại 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng ÐBSCL gồm: TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, An Giang, Ðồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng.

Sử dụng máy để cấy lúa giúp giảm mạnh lượng sử dụng giống tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Sử dụng máy để cấy lúa giúp giảm mạnh lượng sử dụng giống tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Hỗ trợ nông dân

Dự án VnSAT triển khai các hoạt động tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình, quy trình, công nghệ mới nhằm canh tác lúa bền vững, nhất là các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Qua đó, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tác động xấu đến môi trường, cũng như chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết thành lập các tổ chức nông dân (TCND) như hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ðồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ TCND và thực hiện các tiểu dự án (TDA) đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh như: trạm bơm điện, đường giao thông, đường điện, lò sấy lúa, nhà kho, máy cấy lúa, máy cuốn rơm…

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT, đến nay các địa phương vùng ÐBSCL đã đào tạo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” cho hơn 151.060 nông dân với diện tích canh tác 210.594ha. Qua đó, có khoảng 81% diện tích được đào tạo áp dụng đủ 4 tiêu chí của quy trình, tương đương 171.342ha, vượt 14% so với mục tiêu cuối kỳ là 150.000ha. Ðối với quy trình “1 phải 5 giảm”, có 98.757 nông dân với diện tích trên 140.000ha ở ÐBSCL được đào tạo áp dụng quy trình này. Sau đào tạo, đã có khoảng 73% diện tích được nông dân áp dụng đầy đủ các tiêu chí của quy trình, tương đương 143%, vượt xa mục tiêu kỳ vọng là 75.000ha.

Dự án cũng đã hỗ trợ thực hiện đầu tư 91 TDA cho các TCND, với tổng vốn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) là 581 tỉ đồng, đến nay đã có 88 TDA hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện cũng đã có 10 doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn từ Dự án VnSAT, với tổng nguồn vốn 764 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp, phát triển nhà máy chế biến lúa gạo.

Tạo nền tảng phát triển bền vững

Những hỗ trợ thiết thực trên đã tác động mạnh mẽ đến phương thức canh tác bền vững của các hộ dân, giúp nâng cao trình độ sản xuất, năng lực quản lý. Nông dân đã nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm được chi phí nhờ tăng cường liên kết với nhau trong sản xuất, chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng giống xác nhận và giống chất lượng cao, giảm lượng giống trong gieo cấy... Qua đó, cũng tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo lớn đến tìm hiểu, liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân.

Sau hơn 5 năm triển khai dự án, đã có 57.000ha lúa của nông dân có hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa của doanh nghiệp, trong đó có nhiều diện tích được bao tiêu cao hơn so với giá lúa cùng chủng loại trên thị trường từ 100-300 đồng/kg. Lợi nhuận nông dân trồng lúa tham gia dự án đã tăng ròng bình quân trên mỗi héc-ta là 28,3% so với nông dân ngoài dự án.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ là một trong số những địa phương tại ÐBSCL được Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ triển khai Dự án VnSAT. Trong giai đoạn vừa qua, Cần Thơ đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân như: tập huấn, nâng cao trình độ của bà con trong sản xuất lúa; chuyển giao một số máy móc, thiết bị mới để ứng dụng vào sản xuất lúa… Qua đó, đã xây dựng được các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thực hiện “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và áp dụng từng bước một số các tiêu chí sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP). Kết quả, sản xuất lúa của nông dân TP Cần Thơ trong những gần đây, nhất là năm 2020 và vụ lúa đông xuân 2020-2021 đạt được hiệu quả tốt hơn. Các giống chất lượng cao, lúa thơm, đặc sản được mở rộng diện tích. Bà con sử dụng giống cấp xác nhận phổ biến hơn, kỹ thuật sạ thưa, cấy máy cũng từng bước được áp dụng và nhân rộng, nhờ vậy hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn từng bước được nâng cao. Sản xuất lúa gạo tại thành phố cũng giảm sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp phục vụ chế biến, xuất khẩu. Từ nay đến kết thúc dự án vào tháng 6-2022, Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện 10 danh mục TDA chính thức và 2 TDA dự phòng. Cần Thơ sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đầu tư các hạng mục công trình thủy lợi kết hợp với giao thông, tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất”.

Tại hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 và giải pháp thúc đẩy tiến độ giai đoạn gia hạn của dự án vừa được tổ chức ở tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Dự án VnSAT góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành lúa gạo thành công, giúp nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Trong quá trình nâng cao năng suất và chất lượng, chúng ta theo hướng tiếp cận giảm giá thành để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, việc giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường. Nhiều TDA được triển khai thực hiện cũng góp phần cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các TCND. Dự án được gia hạn 18 tháng nhưng thời gian còn lại khá ít và cần thực hiện khối lượng công việc rất lớn, do vậy chúng ta phải tập trung cao độ. Bên cạnh thực hiện các TDA, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân rộng mô hình, phát huy các “điểm sáng” để ngành sản xuất lúa gạo ngày càng hiệu quả và bền vững.

Dự án VnSAT - Hợp phần phát triển lúa gạo bền vững, với thời gian dự án theo Hiệp định ban đầu từ năm 2015-2020, được gia hạn thêm 18 tháng, đến tháng 6-2022. Đây là dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), với tổng số vốn hơn 300 triệu USD, trong đó vốn vay từ nguồn ưu đãi của WB 230 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng và vốn tư nhân. Mục tiêu chung của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo ở ĐBSCL và cà phê ở Tây Nguyên.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thuc-day-phat-trien-chuoi-gia-tri-lua-gao-ben-vung-a131821.html