Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng các dạng năng lượng tái tạo. Điển hình như gió, mặt trời, sinh khối… với tiềm năng khai thác cho sản xuất điện lên tới hàng chục GW. Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tạo điều điện thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái cho các hộ gia đình và khu công nghiệp thương mại.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Khởi động chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức ngày 25/7 tại TP.Hồ Chí Minh.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025 của Bộ Công Thương nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện mặt trời áp mái.

Ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết: Đối với điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành quyết định 11/2017/QĐ –TTg năm 2017 và điều chỉnh bằng quyết định 02/2019/QĐ-TTg năm 2019, theo đó sử dụng cơ chế giá FIT nhằm thúc đẩy đầu tư các dự án điện mặt trời quy mô lớn và các dự án điện mặt trời áp mái ở quy mô hộ gia đình cũng như khối công nghiệp và thương mại.

“Nhờ việc áp dụng cơ chế FIT, trong thời gian vừa qua đã có sự bùng nổ về số lượng các dự án điện mặt trời quy mô lớn, tuy nhiên số lượng các dự án điện mặt trời áp mái còn hạn chế chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này”- ông Kim nhấn mạnh.

Cũng theo ông Kim, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời mái nhà với độ bức xạ đạt từ 4,2 đến 4,8 kWh/m2/ngày. Điện mặt trời trên mái nhà là tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, sẽ làm giảm áp lực giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống.

“Việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện tại miền Nam” – ông Kim nhận định.

Cũng theo ông Kim, Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam đến cuối năm 2025 phải đạt mục tiêu 100 nghìn hệ thống được lắp đặt và vận hành là có thể đạt được.

Ông Micheal Greene - Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Ông Micheal Greene - Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam – cho rằng: Chương trình thúc đẩy điện mặt trời áp mái đặt ra mục tiêu rất tham vọng nhưng khả thi do Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và một thị trường thiết bị điện mặt trời đang phát triển. Không như các nhà máy điện mặt trời nối lưới quy mô lớn đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, các hệ thống điện mặt trời áp mái có thể được phát triển rộng rãi mà không đòi hỏi nâng cấp lưới điện phân phối, do công nghệ này đặc biệt hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh tại chỗ.

Đại diện của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam - ông Mr. Sebastian Paust - chia sẻ: 70 phần trăm điện mặt trời của Đức hiện nay đến từ hơn 1,5 triệu hệ thống điện mặt trời mái nhà. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm phát triển thành công thị trường này, và sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Thông qua các tổ chức như GIZ và Ngân hàng tái thiết Đức KfW, chúng tôi sẽ hỗ trợ các hoạt động về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai các hoạt động nghiên cứu và chương trình tài trợ thí điểm nhằm khuyến khích khu vực tư nhân và hộ gia đình tham gia vào các hoạt động kinh doanh phát triển điện mặt trời áp mái.

Trong khi đó ong Koen Duchateau - Trưởng bộ phận Hợp tác Phát triển của cho rằng: Thú vị là điện mặt trời áp mái mang đến cơ hội cho người dân thường có thể đầu tư một phần tiền tiết kiệm của họ vào điện mặt trời và làm cho họ từ người tiêu dùng trở thành nhà sản xuất điện và đóng góp trực tiếp vào việc giảm tác động đến hệ sinh thái. Tại một số nước Châu Âu, người dân có thể liên kết với nhau thành lập tổ chức về điện để cùng đầu tư và vận hành các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo, như là dự án điện mặt trời lớn lắp đặt tại trường học hay cột gió cỡ lớn, những khoản đầu tư mà chính các cá nhân cũng không thể tự hình dung ra.

Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định 2023/QĐ-BCT vào ngày 05 tháng 7 năm 2019 gồm năm hợp phần: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; Tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; Chương trình Chứng chỉ Điện mặt trời áp mái và cấp chứng chỉ điện mặt trời áp mái; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) Bộ Công Thương được giao chủ trì thực hiện, trên cơ sở lồng ghép các hoạt động của chương trình với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển của các nhà tài trợ như Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) của USAID, Tổ chức Hợp tác Đức GIZ, Ngân hàng Tái thiết Đức và Chương trình hỗ trợ năng lượng của EU và Ngân hàng Thế giới.

Hoàng Tỷ - Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-phat-trien-dien-mat-troi-ap-mai-tai-viet-nam-122897.html