Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

Quảng Ninh giàu tiềm năng cả về tự nhiên và văn hóa cho phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với các loại hình du lịch khác, những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh đã có bước khởi sắc nhất định...

Gia tăng về số lượng

Trải nghiệm tại khu du lịch (KDL) làng quê Yên Đức tại TX Đông Triều, bà Nguyễn Thị Chi Ngân, du khách đến từ phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), chia sẻ: Thăm làng quê, chúng tôi thấy rất hấp dẫn vì đường làng, ngõ xóm rộng thênh thang, vùng quê trù phú gắn liền với những di tích lịch sử, những nét văn hóa thấm đẫm truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương. Nghe giới thiệu thì nhiều nhưng hôm nay, tôi mới được lưu lại lâu hơn để tìm hiểu kỹ hơn, rồi được làm nông dân đi cắt lúa, đơm đó, xay lúa, giã gạo và được đóng vai những cô thôn nữ gánh lúa đi hái hoa sen.

Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều).

Chúng tôi rất mê mô hình du lịch ở đây vì xây dựng lại một nét đẹp của làng quê Việt. Chúng tôi thấy vui vì người Quảng Ninh làm du lịch bằng chính người dân sống trên mảnh đất làng quê này. Họ đã tạo nên cảm giác vùng quê rất đẹp, rất yên bình, hấp dẫn mọi người.

Trao đổi với chúng tôi về cách làm của đơn vị, chị Dương Thị Mến, Phó Giám đốc KDL làng quê Yên Đức, cũng là một người dân của Yên Đức, cho hay: KDL nơi đây không có gì không thật cả. Đến đây làm nông dân một ngày tương đối vất vả, không giống du lịch chỗ khác được chăm sóc, hưởng thụ mà là sự trải nghiệm thực sự…

Nữa là, du lịch gắn với người dân, đi đến đâu là người dân được hưởng lợi đến đó. Các khu múa rối nước đều là của nhà người dân, người ta nhượng lại cho mình thì bên cạnh việc được nhận tiền rồi, người ta vẫn được lao động ở đây. Hay như một ngôi nhà cổ có tuổi gần 200 năm, đến đấy du khách được giao lưu với người dân, mình chia sẻ lợi ích cho người ta, dù có khách hay không thì họ vẫn được hưởng trung bình 3,5 triệu đồng/tháng…Doanh nghiệp cũng chia sẻ với cộng đồng trong các hoạt động an sinh xã hội giống như một thành viên ở đây, trong suốt 9 năm qua.

Bình Liêu là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Trong ảnh: Điểm du lịch cộng đồng Sông Moóc House tại bản Sông Moóc (xã Đồng Văn). Nguồn ảnh: Dulichbinhlieu.

Du lịch đi đến đâu, làng quê chúng tôi sáng đến đó. Như mô hình múa rối nước ở 2 khu hiện nay, trước đây tối lắm, giờ rất sáng, đông vui. Hay khu trụ sở bây giờ làm chợ quê thời mậu dịch, trước là khu trường mầm non cũ rất hoang sơ, thậm chí người dân còn hay mang rác thải ra đó vất, nhưng từ khi có du lịch đến, có sự thay đổi hẳn. Môi trường chung của làng cũng được cải thiện nhiều. Người dân cũng thấy rằng, du lịch đến không phá vỡ không gian làng quê mà ngược lại còn tôn tạo, giữ gìn các giá trị truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Đây là một trong những mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên và thành công nhất của tỉnh, với các sản phẩm và dịch vụ được phát triển theo thời gian và đến nay đã hoàn thiện.

Trước Yên Đức, làng chài Cửa Vạn là nơi phát triển du lịch cộng đồng sớm nhất ở Quảng Ninh từ năm 2005. Rải rác ở các địa phương hiện nay đa số đều có các mô hình du lịch cộng đồng. Đơn cử, ở Đông Triều còn có các làng gốm, có các điểm dừng chân để du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng, mua sắm và có thể trải nghiệm các công đoạn sản xuất gốm và tự tay làm các sản phẩm.

Bình Liêu cũng là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, hiện đã có một số điểm du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), Bản Cáu (xã Lục Hồn) và bản Lục Ngù (xã Húc Động). Hoạt động du lịch cộng đồng ở Cô Tô tập trung ở 2 xã là Đồng Tiến và xã đảo Thanh Lân, chủ yếu kết hợp giữa việc tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo và tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân trên đảo.

Du khách tham gia trải nghiệm Một ngày làm ngư dân tại đảo Quan Lạn (Vân Đồn), tháng 4/2019. Ảnh: Việt Anh

Gần đây nhất vào tháng 4/2019, mô hình thí điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại đảo Quan Lạn (Vân Đồn) đã đi vào vận hành, với 2 hành trình khám phá có chủ đề Lịch sử hào hùng và văn hóa đảo Quan Lạn và Một ngày làm ngư dân.

Bên cạnh đó, một số địa phương cho thấy những điểm có tiềm năng để làm du lịch cộng đồng, như xóm họ Đặng (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, Móng Cái), khu vực phía Tây Hoành Bồ (cũ). Quảng Yên đang có định hướng tập trung đưa vào phục hồi và khai thác làng nghề và làng nông nghiệp để trở thành sản phẩm chính cho du lịch cộng đồng, như làng nghề Hưng Học, làng nghề phường Phong Hải, làng nông nghiệp Tiền An…

Còn nhiều việc phải làm

Mặc dù đã có sự khởi sắc, nhưng qua đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, Quảng Ninh chưa có mô hình tổ chức, quản lý riêng cho hoạt động du lịch cộng đồng.

Thực tế, việc tổ chức, quản lý hoạt động du lịch cộng đồng tại các địa phương vẫn dựa trên các cơ chế, chính sách chung cho phát triển du lịch. Do chưa có cơ chế, chính sách riêng nên hầu hết các địa phương đều lúng túng trong công tác tổ chức, quản lý đối với các hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn. Việc phát triển du lịch cộng đồng hoặc theo cơ chế chung của du lịch hoặc mang tính tự phát, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp và người dân.

Nhân lực phục vụ các hoạt động du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh ước đạt gần 1.500 người, hầu hết là người dân địa phương. Ảnh: Người dân địa phương biểu diễn hát quan họ phục vụ du khách tại khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều).

Đội ngũ nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh hầu hết là người dân địa phương, ước đạt gần 1.500 người, không chỉ thiếu cả về số lượng mà còn hạn chế về chất lượng. Năm 2019, lượng khách du lịch cộng đồng đến Quảng Ninh chỉ đạt khoảng 0,9 triệu/14 triệu lượt khách, rõ ràng còn rất khiêm tốn. Mức chi tiêu của khách du lịch cộng đồng cũng khá thấp, tính bình quân chỉ đạt 1,75 triệu đồng/khách, chỉ bằng 83,23% so với cả tỉnh.

Dù số lượng khách còn thấp nhưng khảo sát cho thấy, khách du lịch cộng đồng đến Quảng Ninh có xu hướng tăng lên khoảng trên 10%/năm. Cơ hội cho phát triển du lịch cộng đồng lớn vì xu thế của thế giới, của du khách hiện hướng đến các giá trị trải nghiệm từ du lịch. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ bởi sự cạnh tranh giữa các vùng, miền, các quốc gia với nhau.

Trong khi đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng của Quảng Ninh hiện nay còn hạn chế, thiếu đồng bộ, cần đầu tư, nâng cấp cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Quy mô và chất lượng đội ngũ lao động phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng của tỉnh, như trên đã nói, còn chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách. Hoạt động du lịch cộng đồng của tỉnh chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ, nên hiệu quả chưa cao…

Đây là những vấn đề mà Quảng Ninh cần tháo gỡ để sớm thúc đẩy sự phát triển của du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nhất là ở các vùng khó khăn.

Phan Hằng

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Vai trò dẫn dắt của quản lý nhà nước là rất quan trọng”

Thế mạnh của du lịch Quảng Ninh là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Hiện nay, chúng ta đang phát triển tương đối tốt du lịch biển đảo và du lịch văn hóa, tuy nhiên du lịch sinh thái, trong đó có du lịch cộng đồng chưa khai thác được nhiều.

Du lịch sinh thái, cộng đồng rất quan trọng, vì nó sẽ mang đến những cơ hội việc làm, thu nhập cho cộng đồng dân cư, nó là giải pháp để chia sẻ thu nhập từ các đối tượng có thu nhập tốt sang cho cộng đồng.

Để làm được điều này, tôi cho rằng cần phổ biến và nhân rộng những mô hình mà chúng ta đã làm thành công và đẩy mạnh tuyên truyền để cho người dân hiểu được cách thức làm du lịch cộng đồng, cách thức làm thế nào để chúng ta liên kết với nhau để cho du lịch cộng đồng mang đến hiệu quả cao hơn. Trong đó, vai trò dẫn dắt của quản lý nhà nước là rất quan trọng.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch: "Du lịch cộng đồng giúp phát triển KTXH ở vùng khó và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống"

Trong 4 trụ cột của du lịch Quảng Ninh thì du lịch cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Nó giúp phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới. Nó cũng giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc…

Để phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng xứng tầm, trước hết cần xây dựng quy hoạch, có định hướng trước mắt và lâu dài, để các vùng có tiềm năng được quy hoạch cụ thể, đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững. Từ đó, các địa phương có định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo từng thời kỳ, phù hợp điều kiện KTXH cũng như tiềm năng du lịch của địa phương.

Thứ hai là phải tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và những người làm du lịch cộng đồng. Điều đó rất quan trọng, chỉ khi có sự tham gia của người dân trong khu vực cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm thì du lịch cộng đồng mới có thể phát triển bền vững được.

Thứ 3 là du lịch cộng đồng chủ yếu phát triển ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo khó khăn, vì thế rất cần bàn tay hỗ trợ của nhà nước trong việc định hướng phát triển, đầu tư hạ tầng thiết yếu, các công trình phụ trợ giống như “vốn mồi” để người dân, doanh nghiệp tại đó có thể phát triển được. Cuối cùng là phát triển du lịch cộng đồng phải liên quan chặt chẽ với phát triển du lịch chung của tỉnh, vì chúng ta có nguồn khách chung lớn, nếu không có định hướng, tuyên truyền, quảng bá tốt thì rất khó kéo khách đến vùng còn khó khăn.

Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Du lịch Sen Á Đông: “Chúng ta đang thiếu kiến thức để phát triển du lịch bền vững…”

Chúng ta đang có các tài nguyên du lịch cộng đồng rất tốt, từ miền biển cho đến đồng bằng, miền núi, dựa vào trụ chính là Vịnh Hạ Long để khai thác các sản phẩm du lịch, dịch vụ cộng đồng đó sẽ đem lại hiệu quả rất tốt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, chúng ta lại đang gặp rất nhiều thách thức về các kiến thức để có thể phát triển nơi đó mang tính chất bền vững, đồng thời đem lại lợi ích cho người dân và không làm tổn thương đến yếu tố văn hóa truyền thống của họ.

Chúng tôi nhận thấy là du khách ngày càng có xu hướng tìm đến các sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa. Chính vì vậy, chúng tôi đặt vấn đề xuyên suốt trong các sản phẩm du lịch cộng đồng trải nghiệm của mình sẽ đem yếu tố văn hóa đến giới thiệu tới du khách.

Một trong những thách thức với chúng tôi là đem kiến thức tạo ra văn hóa trong sản phẩm của mình, vì văn hóa trong cộng đồng đó rất quan trọng. Sản phẩm du lịch cộng đồng thì dịch vụ chỉ là phương tiện để người ta đến, tiếp cận với văn hóa, cuộc sống của người dân mà thôi. Nhưng làm thế nào để các bên cùng có kiến thức quản trị đó và chia sẻ lợi ích tốt cho các bên liên quan thì ngoài tầm quản trị của doanh nghiệp...

Bà Trần Thị Dung, nhân viên Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều): Người dân thân thiện, cởi mở với tâm thế sẵn sàng mang lại những điều thú vị nhất cho khách”

Qua làm việc hơn 1 năm qua tại khu du lịch làng quê Yên Đức, tôi thấy đây là môi trường du lịch rất mở, người dân, các nhân viên cùng làm du lịch, hoạt động du lịch cũng mở rộng trên địa bàn xã. Du khách đến đây được tìm hiểu những sinh hoạt chân quê, được trải nghiệm không gian làng quê, được quay lại hoạt động của cái thời ngày xưa người dân mình từng sinh hoạt…

Người dân ở đây rất thân thiện, cởi mở, họ đón nhận các hoạt động du lịch với một tâm thế sẵn sàng mang lại những điều thú vị nhất cho khách.

Tôi vốn chưa từng được đào tạo qua về du lịch. Khi vào đây làm, tôi mới tiếp xúc với khách du lịch, được nghe, được tìm hiểu về các hoạt động du lịch. Để phù hợp với môi trường này, tôi phải chủ động tìm hiểu các sinh hoạt của người dân địa phương, các nét văn hóa đặc trưng của làng quê Yên Đức, để mình có thể tiếp xúc, tư vấn cho khách những dịch vụ phù hợp với nhu cầu mỗi khi khách đến tham gia trải nghiệm tại khu du lịch làng quê Yên Đức.

Ngọc Mai (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202007/thuc-day-phat-trien-du-lich-cong-dong-2491361/