Thúc đẩy phát triển không gian sáng tạo

Hội nhập với xu thế văn hóa đương đại thế giới, các không gian sáng tạo (KGST) ra đời ở nước ta ngày càng nhiều, được người dân hưởng ứng tích cực. Song sự thiếu chuyên nghiệp, bền vững từ mô hình, chiến lược đòi hỏi các bên liên quan cần chung tay kiến tạo để KGST phát triển bền vững.

Phát huy vai trò của không gian sáng tạo

KGST được định nghĩa là địa điểm có thực hoặc trực tuyến, là nơi hội tụ, chia sẻ không gian, hỗ trợ các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh, thu hút cộng đồng trong lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ. KGST được xem là cơ sở nền tảng của nền công nghiệp văn hóa, bởi nhiều ý tưởng, nhiều dự án văn hóa nghệ thuật được ươm mầm, thử nghiệm thành công rồi sau đó mới lan tỏa ra thị trường văn hóa rộng lớn. Các KGST còn là địa chỉ văn hóa để công chúng trong và ngoài nước giải trí, học tập lành mạnh, bổ ích, đồng thời góp phần tạo ra việc làm, mang lại nguồn thu cho nền kinh tế.

 Nghệ sĩ Hàn Quốc thực hành nghệ thuật tranh sơn mài Ottchill tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio). Ảnh: QUANG THẮNG

Nghệ sĩ Hàn Quốc thực hành nghệ thuật tranh sơn mài Ottchill tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio). Ảnh: QUANG THẮNG

Hiệu quả của mô hình KGST đã được chứng minh ở nhiều quốc gia phát triển. Một số quốc gia như: Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc... chính quyền quan tâm hỗ trợ các KGST phát triển, vì đa phần KGST là của tư nhân, chính quyền sẽ không phải tốn kém kinh phí tổ chức các sự kiện để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Doanh nghiệp có cơ hội quảng bá thương hiệu, kinh doanh tại các KGST. Người dân được hưởng lợi là vào dịp cuối tuần chẳng phải đi đâu xa, có thể vui chơi, giải trí ngay tại nơi mình sống.

Hiện nay, tại Việt Nam có gần 200 KGST (tăng gần 5 lần trong 5 năm qua), chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội (115 KGST) và TP Hồ Chí Minh (60 KGST) với nhiều mô hình đa dạng, như: Studio nghệ thuật, nhà sách, phố đi bộ, phố bích họa, trung tâm truyền dạy nghệ thuật phát triển năng lực... Các KGST sớm nhất cũng đã ra đời cách đây gần 20 năm, đa phần là của các cá nhân trong nước, tổ chức văn hóa nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Dù đã tích cực hoạt động nhưng sự hòa nhập, gắn kết với đời sống văn hóa nước ta chưa cao, thiếu hiệu quả. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đề ra 6 nhiệm vụ trong đó có nhiệm vụ “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận danh hiệu thành phố sáng tạo và chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Cũng trong năm 2019, Mạng lưới KGST Việt Nam (ViCHI) được thành lập. Có thể nói, sự thừa nhận về vị trí, vai trò của công nghiệp văn hóa nói chung và KGST nói riêng đã rất đầy đủ. Vấn đề ở đây là triển khai trên thực tế thế nào để KGST phát huy tối đa hiệu quả”.

Cần tạo điều kiện cho không gian sáng tạo phát triển

Đặt câu hỏi với những người chủ, người quản lý của KGST về điểm yếu của các KGST ở Việt Nam hiện nay là gì? Chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau nhưng “điểm nghẽn” lớn nhất là mô hình, chiến lược hoạt động thiếu chuyên nghiệp và bền vững.

Các em nhỏ học múa ballet tại Không gian sáng tạo Kinergie Studio (Hà Nội). Ảnh: THU HIỀN

Lấy ví dụ ở một KGST của Nhà nước là Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio) thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS). Xuất phát từ tâm huyết của lãnh đạo VICAS để đạt được nhiều mục đích: Đẩy mạnh thực hành nghệ thuật, nghiên cứu sự diễn biến của văn hóa nghệ thuật đương đại, tạo cầu nối giữa nhà nghiên cứu và người sáng tạo; xóa đi những lời chỉ trích cực đoan cho rằng Nhà nước không quan tâm, chăm lo đến nghệ thuật đương đại; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, không bị định hướng văn hóa ngoại lai. Qua 3 năm hoạt động, VICAS Art Studio đã giúp các nhà khoa học ở VICAS hiểu sâu, góp phần nghiên cứu hiệu quả văn hóa nghệ thuật đương đại. Các nghệ sĩ khắp nơi tìm đến VICAS Art Studio để hợp tác làm việc. Ngoài hàng chục hoạt động triển lãm, điểm khác biệt của VICAS Art Studio là tổ chức các khóa học truyền bá lý thuyết nghệ thuật cho nghệ sĩ và công chúng; mời nghệ sĩ nước ngoài đến sáng tác lưu trú và là cầu nối để nghệ sĩ Việt Nam giao lưu ở nước ngoài.

Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn của VICAS Art Studio là hoạt động không có kinh phí, không có biên chế. Nhân lực hoạt động là cán bộ VICAS kiêm nhiệm không có bất cứ khoản thù lao nào. Kinh phí có được là nhờ bán tác phẩm nghệ thuật, các nghệ sĩ tự nguyện tặng tác phẩm hoặc trích một khoản tiền thu về tặng lại VICAS Art Studio. Bản thân VICAS Art Studio cũng phải tích cực hoạt động ở các dự án, xin tài trợ để có thêm kinh phí. Lãnh đạo VICAS băn khoăn là thời gian tới, những người tâm huyết chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, số phận của VICAS Art Studio không biết sẽ ra sao?

Nằm trong một cơ quan nhà nước có nhiều lợi thế về cơ sở vật chất, chất lượng nhân lực như VICAS Art Studio còn gặp khó nên tình trạng KGST tư nhân còn gặp khó hơn nữa. Hầu hết các KGST ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ, được những cá nhân yêu văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo lập ra. Rất khó để thu hút các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ cho KGST vì các khoản tài trợ này đều phải chịu thuế trong khi ở nhiều nước được miễn. KGST tư nhân tồn tại được là nhờ tâm huyết và nhất là túi tiền của người chủ không khác gì tình trạng ở các câu lạc bộ bóng đá. Những người chủ vài năm đầu bù lỗ cho KGST là chuyện quá bình thường. Tính chất nghiệp dư thấy rõ trong mô hình quản trị và cách thức hoạt động; những người điều hành KGST rất ít có kinh nghiệm về tổ chức sự kiện, kinh doanh, công việc liên quan đến hành chính, thuế...

Bà Trương Uyên Ly, chuyên gia về công nghiệp văn hóa, cho rằng: “KGST ở nước ta rất cần những chính sách thật thiết thực hỗ trợ. Đầu tiên là giảm thuế vì KGST thực sự hướng đến tốt đẹp cho cộng đồng, còn kinh doanh văn hóa nghệ thuật lời lãi không đáng bao nhiêu. Một sự hỗ trợ nữa cũng thiết thực là ưu đãi về thuê mượn không gian. Nếu không gian nào không hiệu quả hoặc không dùng tới, có thể cho các KGST thuê, mượn với giá rẻ và trong thời gian dài, để bớt đi phần nào nỗi lo chạy đua trong cơn sốt bất động sản và sự rủi ro về thời gian thuê nhà ngắn ngủi”. Như vậy có thể thấy rõ, quan trọng là phải hoàn thiện mô hình, chính sách để các KGST tự nuôi được mình, thu hút nguồn lực xã hội để người sáng lập, đầu tư, điều hành có thể thay đổi nhưng KGST vẫn hoạt động sôi nổi, phát triển.

Bên cạnh tình yêu với văn hóa nghệ thuật, những người tâm huyết với KGST đều muốn làm được một điều gì đó có ích cho cộng đồng. Thế nên bất chấp những rủi ro khi đầu tư vào KGST, phải chật vật cân bằng giữa kinh doanh và chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong tương lai KGST sẽ tiếp tục được phát triển. Bởi những người tâm huyết với KGST hiểu rằng: Một đô thị đáng sống cần những không gian đáng sống, ở đó mọi người phát huy năng lực sáng tạo, vui chơi giải trí, lấy lại cân bằng trong đời sống đô thị hiện đại.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thuc-day-phat-trien-khong-gian-sang-tao-635648