Thúc đẩy tài chính toàn diện

Tài chính Việt Nam đã phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, tuy nhiên mức độ hiểu biết tài chính vẫn chưa được cải thiện tương xứng.

Tại một hội thảo về giáo dục tài chính gần đây, ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia trưởng trong lĩnh vực tài chính của WB tại Việt Nam nêu ra một vấn đề đáng suy ngẫm: Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia xếp hạng đầu trong Bảng xếp hạng PISA 2015 (một chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức OECD thực hiện 3 năm một lần), cao hơn đáng kể so với trung bình của nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập và cao hơn nhiều quốc gia có thu nhập cao. Thế nhưng hiện chỉ số phổ cập tài chính của Việt Nam chỉ đạt 21,28 điểm, xếp thứ 112/176 trên toàn thế giới và đứng ở vị trí 22/37 quốc gia đang phát triển tại châu Á.

Giáo dục tài chính là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tài chính toàn diện

Mức độ hiểu biết tài chính thấp

Ghi nhận thực tế này, TS. Cấn Văn Lực, kinh tế Trưởng BIDV nhận định, hệ thống tài chính Việt Nam đã phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, tuy nhiên mức độ hiểu biết tài chính vẫn chưa được cải thiện tương xứng. Dẫn lại kết quả khảo sát của NHNN thực hiện năm 2015, TS. Lực cho biết chỉ có 51% người được khảo sát đã từng nghe và hiểu về các khoản vay cá nhân. Một khảo sát đối với học sinh/sinh viên trong độ tuổi từ 13-18 cũng cho thấy, chỉ 17,2% biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí của mình, 8,8% tiêu hết tiền và số còn lại không biết phải làm gì với tiền.

Trong khi đó theo TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng sáng lập Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam: các kết quả nghiên cứu gần đây của nhóm cho thấy, trình độ hiểu biết tài chính của các nhóm sinh viên, các hộ gia đình đều đang ở mức thấp. Đơn cử, đo lường hiểu biết tài chính với mẫu 372 cá nhân hộ gia đình khởi nghiệp ở Phú Thọ trong năm 2017, điểm hiểu biết tài chính trung bình chỉ đạt 14.29 trên 22 điểm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân hiểu biết tài chính thấp một phần có thể vì giáo dục tài chính chưa phổ biến và chưa phải là một phần của chương trình giáo dục chính quy cho học sinh các cấp. Trong khi đó, giáo dục tài chính chính thức (tại các trường đại học và cao đẳng) lại mang nặng tính học thuật, thường chỉ phù hợp cho một nhóm sinh viên chuyên ngành. Bên cạnh đối tượng học sinh, sinh viên, dù đã có các khóa học đào tạo tài chính cá nhân cho những đối tượng khác nhưng ở quy mô rất nhỏ và khó tiếp cận, đặc biệt đối với các hộ gia đình nghèo và có thu nhập thấp.

Việc một bộ phận người dân không coi trọng sự hiểu biết tài chính và không thường xuyên sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức (do đó không tích cực tìm kiếm thông tin về những nội dung này) cũng là một nguyên nhân khiến việc phổ cập tài chính gặp khó khăn.

Mưa dầm, thấm lâu

Trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các chương trình giáo dục tài chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn là do quỹ, ngân hàng tự tổ chức thực hiện nên quy mô khá hạn chế. Một trong những chương trình có lẽ có sức lan tỏa lớn nhất hiện nay là “Những đứa trẻ thông thái” do NHNN phối hợp với VTV nhằm cung cấp cho các em kỹ năng tiết kiệm, lập kế hoạch tài chính, quản lý tài chính cá nhân.

Chia sẻ về kinh nghiệm tăng cường hiểu biết tài chính tại Mỹ, TS. Everett Myers, nguyên giáo sư Đại học New York cho biết, các chương trình giảng dạy về tài chính càng đơn giản và sinh động thì càng dễ tiếp thu và hiệu quả.

“Như ở trường của chúng tôi có rất nhiều các khóa học song không phải lúc nào hay khóa học nào cũng dẫn đến sự thay đổi hành vi tài chính một cách bền vững. Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung là cần thiết kế ra những chương trình đơn giản nhưng hấp dẫn và phải “mưa dầm, thấm lâu”, phải được lặp lại, ôn lại thì dần dần mới dẫn đến sự thay đổi hành vi”, TS. Everett Myers nói.

Nhưng để hoạt động giáo dục tài chính được thực hiện ở quy mô lớn, tiếp cận được tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội, đồng thời mang tính ổn định và bền bỉ, trước hết về mặt chính sách, chúng ta cần một chiến lược mang tầm quốc gia trong vấn đề này. Trong đó, ngoài cơ quan chủ trì triển khai xây dựng thì rất cần sự chung tay phối hợp của các bên liên quan.

Được biết, NHNN đang trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trên cơ sở tiếp cận tổng thể, qua đó tạo cơ sở triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả các trụ cột của tài chính toàn diện, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong đó, việc giáo dục, tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân nhất là những đối tượng người nghèo và yếu thế là nhân tố vô cùng quan trọng.

Là người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Indonesia trước khi sang Việt Nam, ông Alwaleed Alatabani cho rằng: “Tài chính toàn diện là một chủ đề rất rộng, liên quan đến nhiều bên khác nhau. Do đó, việc có cơ quan đứng ra để phụ trách chính là quan trọng nhưng quan trọng hơn còn là sự phối hợp. Như kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, dù có cơ quan đứng đầu thực hiện nhưng sự phối hợp không tốt nên hiệu quả không cao”.

Đỗ Phạm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thuc-day-tai-chinh-toan-dien-74577.html