Thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm tại Việt Nam

Ngày 18/10, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNSECO Hà Nội tổ chức hội thảo 'Thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm ở Việt Nam'.

Giải pháp nào để tăng trưởng bền vững tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Hội thảo "Thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm ở Việt Nam" nhằm trao đổi, chia sẻ yêu cầu phát triển bền vững và bao trùm trong mô hình phát triển của Việt Nam.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh: Phát triển bền vững là mục tiêu và yêu cầu xuyên suốt quá trính phát triển đất nước. Đây là cơ hội nhưng cũng là thử thách đối với các quốc gia hiện nay.

Việc bất bình đẳng gia tăng, thành quả và lợi ích của tăng trưởng tập trung vào nhóm giàu nghèo đang đe dọa sự phát triển bền vững đã đặt ra những thách thức và yêu cầu đối với mô hình phát triển.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: Tăng trưởng là cơ sở để phát triển xã hội, là nền tảng trọng tâm của mọi quốc gia trong quá trình phát triển đất nước.

Nhưng muốn tăng trưởng bền vững cần thúc đẩy sự tham gia của cả cộng đồng nhất là khuyến khích sự tham gia của nữ giới.

Hiện nay UNESCO đã có nhiều chương trình thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam, thời gian tới, UNESCO sẽ hỗ trợ Việt Nam mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực để tạo công ăn việc làm cho người dân.

Hiện nay cơ cấu việc làm ở Việt Nam có sự thay đổi, nông nghiệp chiếm 16% GDP nhưng chiếm 70% dân số ở nông thôn.

Cụ thể, việc làm nông nghiệp giảm mạnh từ 80% những ngày đầu đổi mới xuống còn 44,3% trong năm 2015; các xu hướng tương tự như gia tăng việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, tạo ra 33,4% việc làm trong khu vực chính thức năm 2014.

Riêng khu vực phi chính thức hiện nay (những người bán hàng dong, kinh doanh nhỏ lẻ tự phát) có số lượng lao động lớn với 11 triệu việc làm/46 triệu lao động, chiếm gần nửa việc làm phi nông nghiệp khu vực phi chính thức; trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng chiếm 43%, thương mại chiếm 31% và dịch vụ 26%.

Theo Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Bao trùm xã hội để tập trung vào những vấn đề xã hội nhằm đảm bảo việc làm, tiếp cận dịch vụ. Sau 30 năm đổi mới, diện mạo đất nước ta đã có nhiều thay đổi và tiến bộ nhất định.

Tuy nhiên, vẫn gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển nhất là trong quá trình tạo việc làm cho vùng nông thôn, đây là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.

Để đạt được nhiều đó, cần tăng cường các chính sách xã hội, hướng tới các cộng đồng bị thiệt thòi, người nghèo, người cao tuổi, người thất nghiệp và người tàn tật.

Thực tế, Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong thời gian dài, tăng trưởng đi đôi với thành tích ấn tượng về giàu nghèo, bất bình đẳng theo thước đo hệ số.

GINI (hệ số bất bình đẳng thu nhập) về tiêu dùng tăng ở mức tương đối thấp trong khu vực nhưng được đánh giá là nước thực hiện được nhiều mức tiêu trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam cũng có nhiều lo ngại về tính không bền vững, chưa bao trùm trong thành tích tăng trưởng trong thời gian qua, những lo ngại về tình trạng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng về cơ hội tham gia và chia sẻ các thành tựu tăng trưởng.

Đây là những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển nền kinh tế Việt nam trong bối cảnh mới.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ và thảo luận những vấn đề nổi bật hiện nay trên các trụ cột chủ yếu của khung phát triển bền vững, khái niệm và mối liên hệ giữa bền vững và bao trùm từ đó đề xuất những can thiệp, điều chỉnh cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển, đồng thời thu hẹp khoảng cánh bình đẳng xã hội./.

Lý Thanh Hương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thuc-day-tang-truong-ben-vung-va-bao-trum-tai-viet-nam/98977.html