Thúc đẩy thương mại và đầu tư Việt Nam – Campuchia 2019

Ngày 9-7, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Diễn đàn Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Campuchia năm 2019 đã khai mạc.

Diễn đàn Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư Việt Nam -Campuchia thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước.

Diễn đàn Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư Việt Nam -Campuchia thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước.

Đây là sự kiện do Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp Bộ Thương mại Campuchia và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia tổ chức.

Phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn với sự tham gia của hơn 200 đại diện các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước, Đại sứ nước ta tại Campuchia, Vũ Quang Minh cho biết, năm 2019 là năm có nhiều dấu mốc lịch sử đối với đất nước Campuchia, cũng như với quan hệ gắn bó giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Trong đó, nổi bật là các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày nhân dân Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng và hồi sinh. Từ đầu năm đến nay, các bộ ngành, địa phương hai nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động hợp tác quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Đại sứ Vũ Quang Minh phát biểu tại diễn đàn.

Quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển mạnh. Nổi bật nhất là Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen; chuyến thăm hữu nghị của Quốc vương Norodom Sihamoni và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin...

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Campuchia thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2018 đạt 4 tỷ 704 triệu USD, tăng 23,8 % so năm 2017. Năm tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ 315 triệu USD, tăng 19,1% so cùng kỳ năm 2018. Dự kiến cả năm nay, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt mốc 5 tỷ USD như cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.

Về đầu tư, tính đến nay, Việt Nam nằm trong năm nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia. Việt Nam đã có 214 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,074 tỷ USD. Trong đó, có 176 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,77 tỷ USD. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội của Vương quốc Campuchia.

Về du lịch, nhiều năm qua, Việt Nam liên tục là một trong những nước dẫn đầu về số lượng khách du lịch sang đất nước Chùa Tháp với gần 900 nghìn lượt khách trong năm 2018.

Thời gian qua, Việt Nam và Campuchia cũng đã ký nhiều văn bản thúc đẩy hợp tác kinh tế như Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến 2030; Kế hoạch Hành động kết nối ba nền kinh tế; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực giao thông vận tải đến 2025, tầm nhìn 2030...

Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến và nêu kiến nghị với Chính phủ hai nước nhằm giúp tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Campuchia. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu vốn và thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình liên quan như thuế, hải quan…Về phía chính sách của Campuchia, Chính phủ rất quyết liệt giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư nhưng cũng cần có thời gian để cấp dưới triển khai cụ thể.

Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ Việt Nam và Campuchia phối hợp tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác hiệu quả các nguồn lực; triển khai thực hiện Hiệp định khuyến khích và bảo hộ Đầu tư đã ký kết; có chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn; đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng.

Hiện nay, tại Campuchia có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đứng vững và phát triển mạnh như các ngân hàng BIDC, Agribank, Sacombank, MB, SHB. Trên lĩnh vực viễn thông, Metfone là thương hiệu đứng đầu tại Campuchia, tích cực hỗ trợ cho người dân nước này tiếp cận với viễn thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang trồng và khai thác gần 100 nghìn ha cao-su, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần phát triển hạ tầng điện, đường, trường, trạm cho các vùng nông thôn Campuchia. Bệnh Viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, Vietnam Airlines, Angkor Milk cùng các doanh nghiệp gốc Việt như Công ty MekongNet, Bệnh viện Chak Angre cũng là những thương hiệu được người dân bản địa tin tưởng.

Diễn đàn Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Campuchia là hoạt động được tổ chức hằng năm nhằm giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp hai nước.

NGUYỄN HIỆP - SƠN XINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40813002-thuc-day-thuong-mai-va-dau-tu-viet-nam-%E2%80%93-campuchia-2019.html