Thúc đẩy tìm kiếm hòa bình cho Libya

Theo Reuters, ngày 8-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan và người đồng cấp Mỹ D.Trump điện đàm nhất trí hợp tác chặt chẽ về vấn đề Libya. Hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn đẩy mạnh phối hợp để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Libya. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA), được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận. Theo đó, Ankara trợ giúp các lực lượng hậu thuẫn GNA đối phó Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng của Tướng K.Haftar vốn ủng hộ chính quyền ở miền đông Libya.

* Cùng ngày, Chính phủ Ðức cho biết, Thủ tướng A.Merkel đã điện đàm với Tổng thống Ai Cập A.Sisi thảo luận về tình hình Libya. Thủ tướng Ðức nhấn mạnh, các cuộc đàm phán được LHQ thúc đẩy vẫn phải là mục tiêu chủ chốt của tiến trình hòa bình tại Libya.

* Ngày 8-6, Tổng thống Nga V.Putin điện đàm với người đồng cấp Ai Cập A.Sisi nhằm thảo luận những diễn biến mới nhất về cuộc khủng hoảng Libya, cũng như sáng kiến "Tuyên bố Cairo" nhằm chấm dứt xung đột ở Libya. Tổng thống A.Sisi đã thông báo với nhà lãnh đạo Nga về lập trường chiến lược của Ai Cập, hướng tới một giải pháp toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng Libya. Tổng thống Nga đánh giá cao sáng kiến và những nỗ lực ngoại giao của Ai Cập.

* Cùng ngày, Nga và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) nhất trí bày tỏ ủng hộ sáng kiến hòa bình của Ai Cập nhằm chấm dứt xung đột ở Libya, sau một loạt thắng lợi quân sự mà GNA đạt được tại thủ đô Tripoli trước lực lượng LNA. Bộ Ngoại giao hai nước nhấn mạnh ủng hộ một giải pháp chính trị toàn diện cho Libya.

* Tổng thống Ai Cập A.Sisi đã công bố sáng kiến chính trị chung nhằm chấm dứt xung đột ở Libya, trong đó đề xuất thành lập một hội đồng lãnh đạo qua bầu chọn và thiết lập lệnh ngừng bắn. Tổng thống A.Sisi nêu rõ, sáng kiến này bao gồm tôn trọng tất cả các nỗ lực quốc tế, thiết lập lệnh ngừng bắn kể từ ngày 8-6, kêu gọi đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ.

* Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ M.Cavusoglu nhất trí cần phối hợp tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình ở Libya. Ðây là động thái quan trọng được hy vọng đem lại giải pháp chính trị cho Libya, bởi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là ủng hộ hai phía đối địch trong cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.

* LHQ cho biết đã nhận được nhiều báo cáo về tình trạng cướp bóc và phá hoại ở hai thị trấn bên ngoài thủ đô Tripoli vừa được lực lượng GNA giành lại. Theo Phái bộ của LHQ tại Libya (UNSMIL), hơn 16 nghìn người mất nhà ở và phải chạy tị nạn khỏi thị trấn Tahuna và phía nam Tripoli.

* Ngày 8-6, Công ty Dầu khí quốc gia Libya (NOC) tuyên bố nối lại sản xuất ở hai mỏ dầu quan trọng là An Cha-ra-ra và An Phin sau vài tháng ngừng hoạt động. Trong khi đó, mỏ dầu Sharara lớn nhất Libya buộc phải đóng cửa sau vài giờ khôi phục hoạt động, do bị một nhóm vũ trang xâm nhập. Việc khôi phục hai mỏ dầu quan trọng được hy vọng sẽ làm giảm gánh nặng kinh tế cho Libya.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44802102-thuc-day-tim-kiem-hoa-binh-cho-li-bi.html