Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho tuổi trẻ

Nằm trong Đề án 'Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025', Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) năm 2018 lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội thu hút sự quan tâm của HSSV và nhiều doanh nghiệp.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Không gian Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) không phải nhỏ, song trong tiết trời lạnh giá của mùa đông dường như trở nên chật chội và ấm nóng hơn bởi sự có mặt của hàng nghìn lượt HSSV và các đơn vị, doanh nghiệp. Tất cả cùng háo hức đến với Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2018. Trong nhiều hoạt động, có các gian trưng bày 80 dự án khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Các em đến đây không chỉ mong muốn được tìm hiểu những dự án khởi nghiệp, mà quan trọng hơn là đi tìm nguồn cảm hứng khởi nghiệp cho mình từ chính các bạn đồng trang lứa.

Đứng trước gian trưng bày các dự án khởi nghiệp, Lê Thu Hương, sinh viên năm thứ tư, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hào hứng chia sẻ: “Em rất vui khi được tham dự một hoạt động khởi nghiệp có quy mô lớn. Em học chuyên ngành về quản trị kinh doanh, trong quá trình học tập, chúng em thường xuyên được tiếp cận các bài học về khởi nghiệp. Nhiều bạn học của em cũng có các dự án bước đầu. Đến với ngày hội, em tìm được nhiều điều bổ ích”.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ảnh: ĐIỀN TRANG

Nhiều dự án tham gia ngày hội có ý tưởng và tính khả thi khá cao. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Trần Hữu Đức, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên Legend (đơn vị hợp tác hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của HSSV từ năm 2018 đến 2021) tại ngày hội, đánh giá: “Hầu hết các dự án khởi nghiệp của HSSV hôm nay đều có hàm lượng trí tuệ cao. Vì các em còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên một số dự án mới dừng ở tính khả thi. Song tinh thần dám nghĩ, dám làm là điều mà chúng tôi rất trân trọng trong dự án của các em”.

Nói về ý nghĩa của ngày hội với tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: "Hoạt động của ngày hội quy tụ đông đảo sự tham gia của HSSV cùng các doanh nghiệp. Đối với các em, sự đổi mới và sáng tạo là rất quan trọng. Từ ngày hội này sẽ là cơ sở để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến các bạn trẻ, các thầy giáo, cô giáo và kéo theo sự vào cuộc của các doanh nghiệp”.

Cơ hội cho nhiều dự án khởi nghiệp đi vào thực tiễn

Tháng 10-2017, Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020, các trường đại học, cao đẳng đều có kế hoạch triển khai hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; có 90% sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nhận thức và trang bị các kỹ năng về khởi nghiệp trước khi ra trường. Các trường đại học, học viện đều phải có ít nhất hai ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên được hỗ trợ đầu tư. Đề án này cho thấy quyết tâm của Chính phủ kiến tạo trong việc hướng tới mục tiêu đồng hành cùng tuổi trẻ khởi nghiệp sớm và bền vững, tạo nên nguồn lực từ tuổi trẻ góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước.

Được coi là điểm nhấn trong Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2018, Cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” thu hút gần 200.000 em đến từ hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường THPT. Gần 200 dự án tham gia ngày hội phần nào cho thấy, khởi nghiệp trong giới trẻ không còn đơn thuần là ước mơ, khát vọng mà nó đang được hiện thực hóa. 15 dự án có ý tưởng tốt và có tính khả thi cao vào tranh tài trong cuộc thi chung kết. Nhiều dự án nhận được sự “đỡ đầu” của các đơn vị, doanh nghiệp. Những dự án được đánh giá cao, như: “Inut Platform-hệ sinh thái kết nối vạn vật” của nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; "Finbox-cố vấn đầu tư 4.0” của nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại thương; dự án "Nano Rutin" của nhóm học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội)... Theo đánh giá của Ban giám khảo thì các dự án đều gắn với công nghệ mới và hướng tới việc ứng dụng công nghệ 4.0. Tương lai của các dự án này cũng rất khả thi.

Nhữ Quỳnh Anh, sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương, đại diện nhóm tác giả của dự án “Finbox-cố vấn đầu tư 4.0”, cho hay: "Khi biết mình được giải trong cuộc thi và tạo được dấu ấn trong ngày hội khởi nghiệp, chúng em rất vui. Điều quan trọng là chúng em mong muốn dự án của mình sẽ phát huy hiệu quả. Không chỉ riêng chúng em mà mỗi bạn trẻ có khát vọng khởi nghiệp đều ý thức được rằng, khi đưa một dự án khởi nghiệp vào hiện thực và phát huy được là đã góp một phần nhỏ bé vào phát triển đất nước".

Sau khi Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) của Chính phủ được triển khai từ năm 2016, phong trào khởi nghiệp đang tạo "cú huých" mới trong xã hội. Đến dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2018, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gửi gắm thông điệp tới các bạn trẻ: "Chúng ta nói nhiều về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Nhiệm vụ đầu tiên của HSSV là học tập thật tốt, tu dưỡng để là con người tốt, có ý tưởng, hoài bão để lan tỏa ý tưởng đó ra xã hội. Chúng ta muốn giàu không thể đợi đất nước khác đến làm giàu cho Việt Nam, mà nhất định Việt Nam chúng ta phải tự giàu lên".

Trong khuôn khổ ngày hội, Ban tổ chức cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” đã trao tặng 2 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba và các giải khuyến khích cho đại diện hai khối (khối sinh viên và khối học sinh THPT). Giải nhất khối sinh viên được trao cho công trình “Inut Platform-hệ sinh thái kết nối vạn vật” của nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; giải nhất khối học sinh được trao cho Dự án “Nano Rutin” của nhóm học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

DUY VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thuc-day-tinh-than-khoi-nghiep-cho-tuoi-tre-558358