Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tài chính

Thị trường thanh toán trực tuyến ở khu vực Ðông - Nam Á được đánh giá có tiềm năng rất lớn, trong đó, Việt Nam được dự báo sẽ là nền kinh tế in-tơ-nét lớn thứ ba ở khu vực, sau In-đô-nê-xi-a và Thái-lan. Việc ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính (Fintech) cũng ngày càng được quan tâm và mở rộng quy mô. Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam tạo điều kiện thúc đẩy Fintech nhằm thâm nhập sâu và nhanh hơn vào nền kinh tế số.Bài 1: Cú huých cho thị trườngViệt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển chóng mặt của Fintech. Chỉ trong vòng bốn năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên hơn 150. Ðáng chú ý, dịch Covid-19 mặc dù gây ra thiệt hại nặng nề cho toàn thế giới, song mặt khác, nó lại tạo ra cơ hội cho một số xu hướng mới phát triển, trong đó điển hình là các Fintech.

 Tại các trung tâm thương mại, nhiều khách hàng đã lựa chọn thanh toán qua Ví điện tử thay vì trả bằng tiền mặt. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Hapro mart Thành Công (Hà Nội). Ảnh: LÂM THANH

Tại các trung tâm thương mại, nhiều khách hàng đã lựa chọn thanh toán qua Ví điện tử thay vì trả bằng tiền mặt. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Hapro mart Thành Công (Hà Nội). Ảnh: LÂM THANH

Giao dịch trực tuyến tăng mạnh

Chị Nguyễn Thanh Mai (quận Ba Ðình, Hà Nội), lâu nay thường có thói quen đi chợ dân sinh gần nhà mua các mặt hàng thiết yếu, thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chị chuyển hẳn sang mua hàng trực tuyến và thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản. "Từ ngày dịch lan rộng, tôi chủ yếu mua hàng hóa, đồ dùng qua các ứng dụng của Grab, Vinmart, Sói Biển hay Shopee. Khi thanh toán, tôi cũng thường trả tiền qua ví điện tử hoặc chuyển khoản ngân hàng. Hiện trong máy điện thoại của tôi sử dụng đủ các loại ví điện tử như Moca, AirPay, ZaloPay và ViettelPay" - chị Mai cho biết.

Chính việc sợ lây nhiễm dịch bệnh do tiếp xúc nơi đông người và khi giao dịch bằng tiền mặt là một trong những nguyên nhân khiến người dân tìm đến nhiều hơn với Fintech. Theo một số đơn vị bán lẻ như VinMart, Sói Biển,… lượng giao dịch trực tuyến trong đợt dịch Covid-19 đã tăng gấp 3 đến 5 lần so bình thường. Giám đốc kinh doanh phụ trách VNPAY- QR (Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam - VNPAY) Ngô Anh Tuấn cho biết, so với năm trước, số lượng người dân quan tâm đến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên đáng kể. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua cổng thanh toán VNPAY - QR trong tháng 2 vừa qua tăng tới 600%. Phó Chủ tịch, đồng sáng lập ví điện tử MoMo Nguyễn Bá Diệp cũng chia sẻ, lượng thanh toán qua ví MoMo tăng gấp hai lần từ sau Tết Nguyên đán. ZaloPay cũng có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian qua với mức tăng trưởng ước đạt 36%. "Có thể dự báo, qua đợt dịch Covid-19, thanh toán điện tử sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và thay thế các phương thức thanh toán truyền thống trong một ngày không xa. Ðơn vị nào biết tận dụng cơ hội có thể đạt được những thành tựu đáng kể, gia tăng thị phần và khả năng cạnh tranh trong tương lai", Giám đốc ZaloPay Trương Cẩm Thanh nhìn nhận. Ðánh giá về cơ hội cho doanh nghiệp Fintech Việt Nam trong giai đoạn này, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ðổi mới công nghệ tài chính (FIIN) Trần Việt Vĩnh cũng cho rằng, đây là thời cơ tạo điểm nhấn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, tài chính số Việt Nam. Khi có nhu cầu mua sắm, do yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người bán, người giao hàng cũng như hạn chế sử dụng tiền mặt người dân sẽ lựa chọn ứng dụng thanh toán điện tử.

Những năm qua, Việt Nam dần bước vào một nền kinh tế mới theo xu hướng số hóa. Các công nghệ mới ra đời đã thúc đẩy sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Gần đây nhất, trong khoảng thời gian giãn cách toàn xã hội vì dịch Covid-19, một điều có thể nhận thấy đó là việc sử dụng các ứng dụng Fintech, nhất là trong hoạt động thanh toán, "bất chợt" trở nên phổ biến, thậm chí cả với những người vốn rất ít khi sử dụng ứng dụng này trước đây. Cùng với việc mở ra cơ hội "bứt phá" cho các ngân hàng, Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, dịch Covid-19 cũng trở thành "cú huých" cho Fintech hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P) phát triển. Có thể nói, P2P cũng là một phân khúc nổi bật khác của Fintech, gồm hơn 40 công ty. Theo Chủ tịch NextTech Group Nguyễn Hòa Bình, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ gặp khó khăn trong mùa dịch. Trong khi việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ hay ngân hàng rất khó khăn thì việc tìm tới các công ty Fintech là lựa chọn khả dĩ hơn.

Cạnh tranh công nghệ tài chính hiện đại

Khi đại dịch Covid-19 qua đi, có thể là thời điểm chúng ta dần thích nghi với những xu hướng mới xuất hiện, đó là xu hướng về kinh tế số, thanh toán số,… Ðây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại, không chỉ cầm cự, mà còn xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Với các công ty Fintech cũng vậy, dù đã có những bước phát triển "thần tốc" trước đó, nhưng trong tương lai họ vẫn phải dè chừng với đối thủ là các ngân hàng, thậm chí, giữa các Fintech với nhau. Trong tương lai có thể có thêm dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao điện thoại (Mobile Money) nếu dịch vụ này sớm được cấp phép hoạt động.

Theo số liệu thống kê, trong hơn 150 công ty Fintech hiện nay, hoạt động thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia nhất là dịch vụ trung gian thanh toán như ví điện tử. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 20-4, cả nước có 33 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu - chi hộ,… Theo nhiều ý kiến đánh giá, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang có những lợi thế như: cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng,... Do đó, thị trường này sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự cạnh tranh của các công ty Fintech một mặt sẽ diễn ra gay gắt, nhưng mặt khác sẽ đem lại nhiều hơn lợi ích và giá trị cho người dùng. Sự trỗi dậy của Fintech cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu trong tương lai, các ngân hàng có bị "đe dọa" cạnh tranh? Trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng dù không hẳn là đối thủ song doanh nghiệp Fintech rõ ràng cũng gây áp lực không nhỏ cho ngân hàng, nhất là những ngân hàng chưa phát triển mạnh hệ thống ngân hàng trực tuyến (internet banking). Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Ðào Minh Tuấn chia sẻ, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các công ty Fintech với nhiều dịch vụ thanh toán đa dạng, hiện đại đang gây áp lực cạnh tranh lớn đến các ngân hàng tại Việt Nam. Ðồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, các Fintech với sự năng động của mình cũng sẽ từng bước cạnh tranh với ngân hàng, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán và cho vay ngang hàng. Chính áp lực cạnh tranh này cũng là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao gần đây có nhiều ngân hàng đã thực hiện hợp tác với một vài doanh nghiệp Fintech để gia tăng lựa chọn trong vấn đề thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng của mình. Ðơn cử mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chính thức "bắt tay" với Công ty cổ phần TrueMoney Việt Nam. Theo đó, người dùng VPBank Online sẽ có thêm một nền tảng để thực hiện các giao dịch thanh toán một cách nhanh chóng, tiện lợi, với nhiều tiện ích hiện đại khi liên kết tài khoản ngân hàng trực tuyến với tài khoản ví điện tử TrueMoney. "Việc hợp tác với ví điện tử TrueMoney cũng nằm trong chiến lược tăng cường liên kết, hợp tác với các công ty Fintech của VPBank Online, với mục tiêu cuối cùng là mở rộng hệ sinh thái, đưa dịch vụ ngân hàng điện tử hiện diện trên mọi nền tảng công nghệ mà khách hàng yêu thích", đại diện lãnh đạo VPBank nhấn mạnh.

Trong cuộc đua giữa các nền tảng công nghệ tài chính hiện đại, không chỉ có các doanh nghiệp Fintech cạnh tranh với ngân hàng. Ngay trong năm 2020, thị trường thanh toán sẽ ghi nhận những "chiến binh" mới khi dự kiến hành lang pháp lý dành cho Mobile Money do các doanh nghiệp viễn thông triển khai sớm được hoàn thiện. Ðược biết, các doanh nghiệp Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone đã sẵn sàng gia nhập thị trường thanh toán điện tử bằng Mobile Money. Ðây được đánh giá là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều ưu điểm, nhất là sự thuận tiện, chi phí thấp, khả năng phủ sóng tốt. Ðiều này cũng đồng nghĩa, thị trường Fintech sẽ ngày càng trở nên sôi động và các doanh nghiệp Fintech Việt Nam có nhiều hơn các cơ hội để cọ xát và phát triển.

(Còn nữa)

Trong tương lai, xu hướng hợp tác giữa các ngân hàng và Fintech sẽ dần định hình rõ. Nếu không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như hôm nay. Ngoài giao diện, phần lõi của Internet Banking và Mobile Banking sẽ được thay đổi, đáp ứng nhu cầu hằng ngày của khách hàng, nhờ đến với Fintech, các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số.

PHẠM TIẾN DŨNG

Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44347202-thuc-day-ung-dung-cong-nghe-tai-chinh.html