Thúc đẩy ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, nông thôn

Nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất sau khi thực hiện Chương trình Nông thôn mới và Cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Trong đó việc nâng cao năng lực sáng tạo và thúc đẩy ứng dụng KHCN là giải pháp căn bản và lâu dài để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững cho nông nghiệp và nông thôn.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam diễn ra mới đây tại Nam Định.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh

KH&CN đồng hành và phục vụ xây dựng nông thôn mới

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khi mới thực hiện chương trình cách đây 10 năm, nhiều ý kiến còn hoài nghi về sự thành công của chương trình.

“Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân đã mang lại những đổi thay mang tính toàn diện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xóa tan những hoài nghi về những mục tiêu đặt ra ban đầu của chương trình.

Đến nay sau gần 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 6 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có hơn 4.900 số xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 50,01% số xã cả nước, về trước 1 năm so với mục tiêu đề ra của chương trình đến năm 2020.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 11.200 doanh nghiệp nông nghiệp; hình thành 27.000 mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Thu nhập, đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, giai đoạn 2008 - 2017, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,5 lần, từ 9,15 triệu đồng lên 32 triệu đồng. Tỷ lệ nghèo giảm nhanh, còn 5,35% vào năm 2018.

Kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng cả về quy mô và trình độ sản xuất, nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

Sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, tăng cường ứng dụng KH&CN, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguyên liệu của công nghiệp chế biến vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương. Trình độ KH&CN của nền nông nghiệp được nâng cao, công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh.

Đặc biệt trong giai đoạn này Chính phủ đã xây dựng riêng một chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 5/1/2012, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phục vụ trực tiếp cho việc ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất ở nông thôn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Chương trình đã góp phần thiết kế được hệ thống khung khổ, thể chế, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thu được kết quả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và KHCN, các giải pháp có tính liên ngành và các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất, thu hút đông đảo lực lượng KHCN trong cả nước (560 nhà khoa học và hơn 100 tổ chức KHCN), có nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn. Cụ thể, đời sống của người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững.

Thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện, sinh kế thiếu bền vững trước những rủi ro thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường.

Bên cạnh đó, chất lượng đạt chuẩn NTM và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Đa số mới chú trọng phát triển hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống người dân.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần vạch ra phương hướng xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo (2021 - 2030) với cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu và đảm bảo tính bền vững.

Tại Hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cần phát huy lợi thế, tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh việc chuyên nghiệp hóa và doanh nhân hóa nông dân, gắn với thu hút đầu tư doanh nghiệp và khởi nghiệp nông thôn để tạo lập và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức.

Định hướng phục vụ khách hàng phải trở thành mục tiêu chung của cả công tác nghiên cứu, đào tạo và khuyến nông. Phải dựa trên cơ chế thị trường, huy động mọi tài nguyên trong xã hội, huy động mọi động lực của người nghiên cứu, chuyển giao và người áp dụng KHCN.

Tùy theo lợi thế mà lựa chọn tiến bộ KHCN thích hợp (tiết kiệm đất đai hay tiết kiệm lao động, hiện đại hay cổ truyền,…) và lựa chọn nguồn cung cấp tiến bộ khoa học kỹ thuật hiệu quả (tự tiến hành nghiên cứu hay nhập khẩu áp dụng).

Ưu tiên tập trung các nhiệm vụ KH&CN gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đi vào thực tiễn cuộc sống rất mạnh mẽ, sinh động với sự vào cuộc thực hiện của cả hệ thống chính trị.

Sau đó là Kết luận số 97 của Bộ Chính trị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và đề ra một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26 đã chỉ ra những tác động mạnh mẽ của KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu rất rõ để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 24 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26 cũng khẳng định xuyên suốt vai trò, trách nhiệm của KH&CN.

Cụ thể hóa trong Chương trình KH&CN phục xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 27 và đặc biệt là Quyêt số 45 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra 6 nội dung chủ yếu giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN và các Bộ, ngành liên quan thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng song hành triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” với 3 giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2025 tập trung vào:

Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN; Đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ cho các kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn kỹ thuật cho người dân; Các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức KH&CN cho người dân; góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, làm thế nào để KH&CN, mà cụ thể là Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới đóng góp hơn nữa trong giai đoạn sắp tới khi bối cảnh, thách thức và yêu cầu của quốc tế và trong nước gắn với những thay đổi căn bản trong cách tiếp cận thể chế, chính sách về kinh tế, về chính trị - xã hội và về môi trường.

Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, thời gian từ nay đến 2020 còn rất ngắn, do đó cần tập trung xem xét đề xuất các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ cấp thiết gắn với thực tiễn của các địa phương;

giải quyết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm, thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia, tập trung ưu tiên các nhiệm vụ gắn với việc thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như có nhiều tác động lan tỏa đến nhiều vùng, địa phương.

Ngoài ra, cần tăng cường lồng ghép nội dung triển khai của Chương trình với các Chương trình KH&CN quốc gia khác do Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và các bộ/ngành, địa phương được giao quản lý nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực của các Chương trình;

Đẩy mạnh việc hình thành các mối liên kết chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên giữa người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN trong việc thực hiện chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp từ: nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng nông thôn để từ đó có thể huy động đông đảo nguồn lực xã hội thực hiện Chương trình.

Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 27 năm 2012 là một Chương trình KH&CN tổng hợp, có tính liên ngành, phục vụ trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020.

Chương trình KH&CN đã tập hợp được một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp tham gia và đồng hành, đã phát huy cao độ trí tuệ, kinh nghiệm, sức sáng tạo để đúc kết thành những luận cứ, hình thành nên nhiều cơ chế, chính sách, tạo ra những thành tựu KH&CN quan trọng đóng góp vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại;

tạo lập cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ,… tạo nên giá trị, hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới thời gian vừa qua.

Diệu Huyền

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/thuc-day-ung-dung-khcn-trong-nong-nghiep-nong-thon-3385287/