Thúc đẩy việc làm bền vững tại các DN điện tử

Các DN ngành điện tử cần tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và pháp luật lao động để góp phần thúc đẩy việc làm bền vững. Từ đó, đảm bảo việc làm ổn định, tránh sa thải lao động tùy tiện.

80% các DN điện tử khó tuyển lao động kỹ thuật - Ảnh minh họa

80% các DN điện tử khó tuyển lao động kỹ thuật - Ảnh minh họa

Đây là nội dung được thảo luận tại tọa đàm Thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam do Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 31/1.

80% doanh nghiệp khó tuyển lao động kỹ thuật

Theo Báo cáo của Viện KHLĐ&XH, số lượng doanh nghiệp (DN) điện tử có sự phát triển mạnh mẽ, năm 2015 là 307 DN, thì đến 2015 có tới 1.165 DN. Bên cạnh đó, lao động trong ngành cũng đạt 453.181 người năm 2016. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện KHLĐ&XH, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động làm việc trong ngành không cao, chiếm 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó ở khu vực FDI cao hơn.

Có một thực tế là 80% DN điện tử gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật. Phần lớn lao động làm nghề vận hành máy móc, thiết bị, trong đó có khoảng 76% không có bằng cấp, chứng chỉ.

Lao động trong ngành điện tử chủ yếu làm việc trong nhóm nghề "Thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị” (57,11%) và “Thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác” (18,9%); lao động có CMKT bậc cao và bậc trung chỉ chiếm 11,05%. Đáng lưu ý, một hiện tượng khá phổ biến trong ngành điện tử là người lao động đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ chấp nhận làm các công việc giản đơn.

Theo Viện trưởng Viện KHLĐ&XH Đào Quang Vinh, những năm gần đây, công nghiệp điện tử đã phát triển nhanh và trở thành một trong những ngành quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử đã tăng mạnh từ 7,4% năm 2011 lên 23,4% năm 2014 và đạt đến 32,5% năm 2015.

Đây là ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ năm 2012. Trong đó, 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử Việt Nam là nhờ các DN FDI. DN FDI cũng vượt trội về công nghệ và quy mô lao động, số lao động bình quân của 1 doanh nghiệp FDI là 807 người, của DN Nhà nước là 212 người, trong khi của DN tư nhân chỉ có 25 người.

Trong những năm qua, làn sóng công nghệ mới đã và đang có những tác động nhanh và mạnh đến các DN trong ngành điện tử trên nhiều phương diện như đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thu hút nhân lực chất lượng cao, qua đó đã có những ảnh hưởng nhất định đến người lao động.

Bên cạnh đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm bền vững tại các DN là vấn đề cần quan tâm. Giám đốc TTNC Môi trường và Điều kiện lao động (Viện KHLĐ&XH) Chử Thị Lâm cho biết: "Các DN ngành điện tử cần tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và pháp luật lao động để góp phần thúc đẩy việc làm bền vững. Từ đó, loại bỏ sử dụng lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, đảm bảo việc làm ổn định, tránh sa thải lao động tùy tiện. Bên cạnh đó, cung cấp môi trường lao động an toàn và đảm bảo tiền lương, phúc lợi cho người lao động".

60% doanh nghiệp vi phạm quy định làm thêm giờ

Tại tọa đàm, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng đã cho biết một số kết quả thanh tra ngành điện tử trong Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017.

Qua thanh tra tại 216 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phát hiện 1.794 sai phạm, bình quân 8,3 sai phạm/DN. Trong đó, đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 27 DN và báo cáo người có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt hành chính.

Tổng số tiền xử phạt hành chính là hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó Trung ương xử phạt 401,5 triệu đồng, các địa phương xử phạt hơn 1 tỷ đồng.

Trong đó, sai phạm gặp nhiều nhất tại các DN điện tử là nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động, với 132 DN vi phạm; huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định với 130 DN vi phạm…

Ông Nguyễn Tiến Tùng khẳng định: 100% DN có làm thêm giờ, trong đó có khoảng hơn 60% DN vi phạm quy định về làm thêm giờ.

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết: Nguyên nhân của những sai phạm trên là do người sử dụng lao động, người lao động chưa nhận thức hết được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp; trình độ chuyên môn của cán bộ nhân sự, cán bộ về ATVSLĐ còn hạn chế, nhiều cán bộ ATVSLĐ cho rằng môi trường làm việc trong lĩnh vực điện tử là sạch, không có nguy cơ nào gây mất ATVSLĐ...

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/thuc-day-viec-lam-ben-vung-tai-cac-dn-dien-tu/328751.vgp