Thúc đẩy việc làm tốt hơn, cuộc sống tốt hơn cho lao động ngành may Việt Nam

'Công ty luôn chủ động trong các hoạt động cải tiến, là nhờ có sự tham gia thường xuyên và tích cực của tổ chức Công đoàn và người lao động trong Ban Tư vấn cải tiến doanh nghiệp. Qua đó, uy tín doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, số lượng công nhân, sản lượng, doanh thu của công ty ngày một tăng. Đó là những lợi ích nổi bật mà Chương trình Better Work mang lại cho chúng tôi', ông Kim Juhong - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Viet Pan Pacific World cho hay.

Quyền lợi của người lao động được đảm bảo tốt hơn

Công ty TNHH Viet Pan Pacific World (đóng trên địa bàn thôn Danh Thượng, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng may mặc của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng công nhân Công ty TNHH Viet Pan Pacific World

Hiện công ty có quy mô hơn 4.800 công nhân, trong đó khoảng 80% là lao động nữ. Tham gia vào Chương trình Better Work (Việc làm tốt hơn) từ năm 2018, Ban Tư vấn Cải tiến doanh nghiệp (PICC) công ty với nòng cốt là đại diện Ban quản lý, công nhân và Công đoàn, đã chủ động thực hiện các hoạt động cải tiến điều kiện làm việc cho công nhân, giúp nhà máy tuân thủ Luật Lao động Việt Nam và các tiêu chuẩn lao động quốc tế và cải tiến hợp tác tại nơi làm việc.

Hơn 1 năm được tham gia vào Ban Tư vấn Cải tiến doanh nghiệp, điều khiến chị Nguyễn Thị Ba - công nhân Bộ phận Cắt xưởng 1 tự hào nhất là mình được đào tạo, cập nhật nhiều kiến thức về Luật Lao động, an toàn vệ sinh lao động, có thể tự tin trình bày ý tưởng cải tiến sản xuất trước tập thể. Và đặc biệt, có khả năng thu thập và chuyển tải ý kiến của người lao động tới Ban lãnh đạo công ty, góp phần tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn.

Tham gia vào Better Work, chị Nguyễn Thị Ba - công nhân Bộ phận Cắt xưởng 1 (thứ ba từ phải sang) tự tin trình bày ý tưởng cải tiến trước tập thể

“Tôi được trang bị thêm nhiều kiến thức, nhận diện tốt hơn các vấn đề còn tồn tại để khắc phục, cùng anh chị em trong Ban Tư vấn Cải tiến doanh nghiệp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người lao động, sau đó đưa lên Ban Giám đốc để xem xét, giải quyết”, công nhân Nguyễn Thị Ba cho biết.

Khẳng định thêm về hiệu quả trong hoạt động của Ban Tư vấn Cải tiến doanh nghiệp từ Better Work mang lại, anh Nguyễn Văn Thao - Phòng Mẫu xưởng 2 cho biết: Từ ý kiến, kiến nghị của người lao động, qua đối thoại với lãnh đạo công ty, gần đây nhất, Ban lãnh đạo công ty đã tăng thêm quạt trần cho công nhân làm việc tại xưởng 2 bởi giàn mát hoạt động chưa đủ mát; đồng thời mắc thêm quạt trần trong phòng ăn… giúp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Từ góc độ Ban lãnh đạo, ông Kim Juhong - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Viet Pan Pacific World cũng ghi nhận trước những lợi ích Chương trình Better Work mang lại cho nhà máy. Ông cho hay: Điểm nổi bật là uy tín doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, số lượng công nhân, sản lượng, doanh thu tăng.

Cụ thể, nếu như năm 2018, số công nhân là 4.540, đến năm 2019 đã tăng lên 4.821. Sản lượng sản phẩm năm 2018 là 5.273.307 đến nay đã tăng lên 6.032.747 sản phẩm. Tương ứng với đó, doanh thu tăng từ 25.485.620 đô la năm 2018 lên 28.133.919 đô la năm 2019.

Bà Paula Church Albertson - Giám đốc Better Work Việt Nam cho biết: Theo đánh giá độc lập của Better Work, quá trình tuân thủ và một số kết quả chính Công ty đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc Tuân thủ trách nhiệm xã hội kể từ khi tham gia Better Work Việt Nam. Trong chu kỳ trước, tỷ lệ chưa tuân thủ của công ty là 11% với 23 vấn đề như Công đoàn, hợp đồng, an toàn vệ sinh lao động và làm thêm giờ quá mức quy định.

Tuy nhiên, trong đánh giá mới nhất, tỷ lệ % không tuân thủ đã giảm đạt mức 6% với 13 vấn đề, gồm một số điểm về an toàn vệ sinh lao động và làm thêm giờ. Công ty đang cải thiện hệ thống quản lý của mình với mục tiêu được xếp hạng vào nhóm Doanh nghiệp tiên tiến (nhóm 2) của Better Work trong thời gian tới.

Người lao động được hưởng lợi ích về việc làm và tuân thủ pháp luật từ Better Work mang lại

Đáng kể nhất phải nói đến lợi ích Better Work mang lại cho người lao động. Thông qua các đợt đánh giá và tư vấn của Better Work, người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi mà trước đó doanh nghiệp chưa thực hiện đủ. Ví dụ như trong việc chi trả lương và chế độ: Trước đây, khi chuyển người lao động từ công việc mức lương cao sang công việc mức lương thấp hơn, Công ty thực hiện chi trả mức lương mới (thấp hơn) ngay sau khi chuyển công việc. Nhưng, sau khi tham gia Better Work, người lao động được giữ thêm mức lương cũ trong 30 ngày từ ngày chuyển sang công việc mới, sau đó mới trả mức lương mới (thấp hơn).

Những cải tiến trong an toàn vệ sinh lao động cũng được ghi nhận với những nỗ lực từ Ban lãnh đạo nhà máy. Điển hình như trong chăm sóc sức khỏe, nếu trước đây, cơ sở y tế để người lao động có thể thăm, khám sức khỏe cách Công ty khoảng 30km, thì nay, đã có cơ sở y tế cung cấp dịch vụ cách Công ty chỉ còn 2km; có bác sĩ trực tại nhà máy thay vì trước đây không có. Bên cạnh đó, toàn bộ máy móc đã được trang bị thiết bị bảo vệ an toàn cho người lao động khi làm việc, như bảo vệ tay, mắt, chắn dây curoa…

Mang lại việc làm bền vững cho hàng trăm ngàn công nhân

Được thành lập từ năm 2009, Chương trình Better Work Việt Nam là một sáng kiến chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với mục tiêu thay đổi cách làm trong ngành may mặc.

Bà Paula Church Albertson - Giám đốc Better Work Việt Nam và ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thămm đánh giá mô hình Better Work tại Công ty TNHH Viet Pan Pacific World

Mục tiêu của Better Work là nhằm cải thiện việc tuân thủ điều kiện lao động và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may và da giày. Cách tiếp cận của chương trình thông qua dịch vụ tư vấn, đánh giá và đào tạo, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến liên tục.

Với cách tiếp cận trên, Better Work Việt Nam đã đóng góp vào sự phát triển của ngành may mặc tại Việt Nam, đem lại việc làm bền vững cho hàng trăm ngàn công nhân, giúp các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào tăng trưởng quốc gia và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Bà Paula Church Albertson - Giám đốc Better Work Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn tiếp theo, Better Work sẽ tiếp cận nhiều nhà máy hơn và đẩy nhanh sự cải thiện về điều kiện làm việc và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành may mặc.

Mục tiêu của Better Work tại Việt Nam: Nâng số nhà máy tham gia Chương trình lên hơn 500 vào cuối năm 2022, gắn với việc mở rộng phạm vi địa lý của Chương trình. Sự mở rộng này sẽ tăng số người lao động được tác động bởi chương trình lên gần 1 triệu người.

Tính đến tháng 6/2019, Better Work Việt Nam đã hỗ trợ 359 doanh nghiệp với 572.600 doanh nghiệp. Chương trình đào tạo của Better Work dành cho nữ chuyền trưởng góp phần tăng năng suất thêm 22%. Tính trung bình, sau 4 năm, những nhà máy tham gia Better Work Việt Nam tăng tỷ lệ doanh thu trên chi phí nhiều hơn 25% so với lúc ban đầu.

Đáng chú ý, tỷ lệ nhà máy tham gia Better Work Việt Nam làm tăng ca vượt quá giới hạn quy định theo Luật giảm 44% trong vòng 5 năm.

Đặc biệt, sau 5 năm triển khai tại Việt Nam, 97% số nhà máy tham gia Better Work Việt Nam tuân thủ việc chi trả mức lương tối thiểu theo quy định của Luật cho người lao động.

Theo bà Paula Church Albertson - Giám đốc Better Work Việt Nam: Nhiều tác động lớn của Chương trình Better Work toàn cầu được ghi nhận tại Việt Nam. Nghiên cứu độc lập của Trường Đại học Tufts cho thấy, tham gia vào Chương trình Better Work Việt Nam sau 4 năm, giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận thêm 25%. “Đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy việc cải thiện điều kiện làm việc, đem lại lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp”, Giám đốc Better Work Việt Nam khẳng định.

Hiện Công ty TNHH Viet Pan Pacific World có quy mô hơn 4.800 công nhân, trong đó khoảng 80% là lao động nữ.

Trao đổi với phóng viên, bà Paula Church Albertson nhấn mạnh: “Better Work đã chứng minh rằng tuân thủ pháp luật lao động và đối thoại xã hội sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chúng tôi biến những nguyên tắc này trở thành hiện thực tại các nhà máy. Thông qua hợp tác với Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, chúng tôi xây dựng mối quan hệ đối tác với tất cả các bên, qua đó, góp phần thúc đẩy việc làm tốt hơn, doanh nghiệp tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”.

Khảo sát về mô hình Better Work tại Viet Pan Pacific World, ông Ngọ Duy Hiểu – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của Better Work Việt Nam, sự hợp tác của Ban lãnh đạo Viet Pan Pacific World và sự vào cuộc chủ động, tích cực từ phía người lao động, cũng như tổ chức Công đoàn công ty.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặc biệt ghi nhận sự trưởng thành, tiến bộ của người lao động khi tham gia vào Chương trình đã trực tiếp phát hiện ra những vấn đề, đồng thời cũng là người đưa ra giải pháp; ghi nhận doanh nghiệp đã lắng nghe và ưu tiên cải thiện vấn đề trên đề xuất của người lao động, cùng hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

“Tôi đã gặp người lao động, hỏi chuyện họ và họ đánh giá tốt về sự tuân thủ pháp luật lao động của Ban lãnh đạo, đánh giá cao hoạt động của tổ chức Công đoàn. Tôi rất mong Ban lãnh đạo Công ty, Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Tư vấn Cải tiến doanh nghiệp tiếp tục phát huy, lắng nghe người lao động, giải quyết nhiều hơn những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp từ người lao động vì họ chính là tài sản quý giá của doanh nghiệp”, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thuc-day-viec-lam-tot-hon-cuoc-song-tot-hon-cho-lao-dong-nganh-may-viet-nam-96749.html