Thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gia cầm

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, những năm qua, ngành chăn nuôi gia cầm có những bước tiến khá nhanh. Tính đến hết năm 2018, đàn gia cầm có 409 triệu con, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm ước đạt hơn 40 triệu USD. Thực tế cho thấy dư địa phát triển của ngành hàng này còn rất lớn. Vậy phải làm cách nào để đạt hiệu quả cao hơn trong những năm tới?

Nuôi gà tập trung tại Hợp tác xã chăn nuôi gia cầm Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Nuôi gà tập trung tại Hợp tác xã chăn nuôi gia cầm Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, số đầu gia cầm tăng bình quân mỗi năm hơn 6%. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu giống gia cầm đạt từ 1,25 đến 1,5 triệu con, trứng chim cút đóng hộp, gà ác tiềm, lòng đỏ trứng vịt muối, trứng vịt muối luộc và bột trứng..., sang một số nước. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ ngành chăn nuôi gia cầm (CNGC) nước ta đã phát huy được lợi thế vốn có. Thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp hợp lý hơn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất để cho ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong ngành CNGC, góp phần chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi (SPCN) trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Chăn nuôi gia cầm quy mô lớn với công nghệ hiện đại đang có xu thế phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tiếp tục đầu tư sản xuất quy mô lớn, theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và hướng tới xuất khẩu. Ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất với quy mô từ 300 nghìn đến 500 nghìn con gà thịt và gà chuyên trứng/lứa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất đa dạng, gồm các giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng, kiêm dụng; các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại, nguồn gien quý trong nước và chọn tạo ra các dòng giống mới như: Gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà mía Sơn Tây (Hà Nội), gà Tiên Yên (Quảng Ninh), gà ri Ninh Hòa. Các giống vịt có năng suất cao như: Bộ giống vịt của Vương quốc Anh (SM); bộ giống vịt của CH Pháp (MT, STAR, ST)... Điển hình như các mô hình chăn nuôi gia công của các doanh nghiệp nước ngoài (CP, JAPFA...) và một số doanh nghiệp trong nước như DABACO, Ba Huân, San Hà, ĐTK, Trần Nguyễn Hồ, Hương Việt.

Tại Trà Vinh, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam đã triển khai hình thức nuôi gia công đối với sản phẩm gà thịt với quy mô từ 6.000 đến 12.000 gà thịt/đợt nuôi, sản lượng xuất chuồng đạt 200 tấn/năm. Ở Hà Tĩnh, hiện có hai cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn (thường xuyên nuôi 10.000 con/lứa) liên kết theo chuỗi với Công ty JAPFA quy mô 10.000 con/lứa, lợi nhuận bình quân 200 triệu đồng/năm. TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, với số dân hơn 95 triệu người, nhu cầu sản phẩm gia cầm của thị trường trong nước còn rất lớn. Việc Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là cơ hội lớn để ngành chăn nuôi mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, trứng gia cầm trong thời gian tới.

Bên cạnh những thuận lợi, theo các chuyên gia, ngành CNGC vẫn phải đối mặt với một số thách thức: Chưa có hệ thống giống hoàn chỉnh theo mô hình giống, nhất là các giống nội, giống kiêm dụng. Vùng sâu, vùng xa chưa có mạng lưới cung cấp giống cho sản xuất. Hoạt động nghiên cứu, chọn tạo giống vật nuôi còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, vì vậy chưa tạo ra sản xuất hàng hóa phù hợp từng vùng. Người chăn nuôi còn sử dụng nhiều con thương phẩm làm giống bố mẹ cho nên ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng. Việc nhập con giống, SPCN không rõ nguồn gốc còn diễn ra thường xuyên và thiếu tính liên kết trong tổ chức sản xuất giống và tiêu thụ SPCN. Chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ, nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những năm gần đây, do dịch bệnh thường xuyên xảy ra và diễn biến rất phức tạp; ảnh hưởng của đô thị hóa nông thôn và biến động giá đầu vào (thức ăn, con giống, vật tư thú y) làm ảnh hưởng hiệu quả chăn nuôi. Nhận thức của người chăn nuôi về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế. Công tác vệ sinh môi trường và phòng bệnh còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, chăn nuôi theo hình thức nông hộ còn nhiều, cho nên việc áp dụng công nghệ cao, tiên tiến gặp khó khăn. Thị trường sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, không ổn định, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc tiếp cận các nguồn thông tin thị trường còn bị động. So với các quốc gia trong khu vực, mức tiêu thụ thịt gà ở Việt Nam chưa nhiều, sản lượng tiêu thụ trứng gà của người dân còn thấp, từ 110 đến 120 quả/người/năm. Trong khi đó, tại các nước Thái- lan hay In-đô-nê-xi-a ở mức từ 250 đến 340 quả/người/năm...

Để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm trong những năm tới, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước mắt, cần tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng. Mặt khác, cần kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi, nhất là bảo đảm an toàn về thú y. Tổ chức tốt khâu chế biến, trên cơ sở đó tạo dựng chuỗi giá trị dài hơn. Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus (doanh nghiệp đang xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản), cần xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh và có cơ chế phù hợp để bảo vệ những trang trại chăn nuôi, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn đối với những nhà nhập khẩu của các nước. Đồng tình với quan điểm nêu trên, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho rằng, muốn tăng nhanh khối lượng thịt gia cầm xuất khẩu, cần kiểm soát tốt dịch cúm gia cầm và xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh.

Về thị trường, theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, nên đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, cần chia phân khúc khi xác định thị trường mục tiêu cho sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia cầm một cách hợp lý. Đối với phân khúc còn lại, cần phân loại sản phẩm để hướng tới các đối tượng khác nhau. Nếu làm tốt sẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành CNGC nước ta.

ANH QUANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40467702-thuc-day-xuat-khau-san-pham-gia-cam.html