Thúc đẩy xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản sau dịch

Chiều ngày 9/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư ( KH&ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản ( JBIC) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam- Nhật Bản.

Điểm đến đầu tư thành công và an toàn

Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: với hơn 1.000 nhà đầu tư đăng ký tham dự, đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến lớn nhất do Bộ KH&ĐT tổ chức từ trước đến nay, thể hiện mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng chủ trì Hội nghị

Với thành công trong khống chế và kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao là đất nước an toàn, điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nhân quốc tế. Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá khá tốt triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương.

Trong khi dòng FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 do tác động của đại dịch, kết quả thu hút ĐTNN trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan. Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, tổng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% cùng kỳ năm 2019, cơ bản là do các thương vụ M&A giảm đến 56,8% so cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đạt 8,43 tỷ USD và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,72 tỷ USD, tăng tương ứng 13,8% và 26,8% so cùng kỳ.

Đây những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam”- Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ và được đánh giá cao. Cụ thể, theo Tạp chí US News & World Report xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong số 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Theo Ngân hàng thế giới (10/2019), chỉ số Môi trường kinh doanh thuận lợi Việt Nam năm 2019-2020 xếp 70/190 quốc gia.

Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Okabe Daisuke cho biết, trong khi các nước khác vẫn đang khốn đốn với đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự vực dậy nhanh chóng. Đồng thời, Việt Nam cũng là nước đầu tiên tiếp nhận những lợi thế của việc đa dạng hóa chuỗi cung cấp. Các nhà đầu tư trên thế giới trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam như là một điểm đến đầu tư trong trạng thái bình thường mới hậu Covid.

Theo khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Châu Á và Châu Đại dương của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tháng 2/2020, có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và Châu Đại Dương (sau Bangladesh và Ấn Độ).

Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến lớn nhất thu hút hơn 1.000 nhà đầu tư đăng ký tham dự

Cam kết giữ vững "ngọn lửa đổi mới"

Mặc dù được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, thành công, song theo ông Okabe Daisuke, cần phải tái thiết kinh tế, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, tái mở lại việc đi lại giữa hai nước; cải thiện thực hiện tỷ lệ dự án đầu tư công hiện có.

Không có chính sách kinh tế nào đem lại hiệu quả cao như việc thực hiện nhanh chóng các dự án đầu tư công hiện có. Đây là chính sách kinh tế mới phiên bản Việt Nam”- ông Okabe Daisuke nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc sớm ban hành tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, triển khai thi công đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành, sớm khởi công tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hà Nội sẽ là giải pháp kích thích năng suất và hiệu quả đối với kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, đối với thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng cần thực hiện chắc chắn các ưu đãi đầu tư, cũng như bảo đảm tính công bằng và minh bạch.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, hàng loạt chính sách mới đã được ban hành như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật PPP và Quốc hội mới thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) đã tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang chuẩn bị các điều kiện về đất đai, lao động, năng lượng... để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mới.

Điều này sẽ giúp Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, có sự lan tỏa, thúc đẩy kinh tế số.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, với khung khổ pháp lý ngày càng đồng bộ, các kênh kết nối giữa thị trường trong nước và nước ngoài ngày càng rộng mở, cộng với những tiềm năng, lợi thế và sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh thành công hơn nữa tại Việt Nam.

Bộ KH&ĐT cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp”- Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-xuc-tien-dau-tu-viet-nam-nhat-ban-sau-dich-140195.html