Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tại các công trình xây chen

Những ngày qua, người dân TP Đà Nẵng, đặc biệt là phụ huynh có con em đang học tại trường Tiểu học Trần Cao Vân (số 213-Lê Duẩn, P. Tân Chính, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đang hết sức quan tâm và lo lắng khi một công trình bên cạnh đào móng khiến một ngôi nhà 4 tầng bị nghiêng, kéo theo đó là sự an toàn của trường học cũng bị ảnh hưởng. Sự cố khiến hàng trăm học sinh phải di dời chỗ học, chủ nhà bị nghiêng phải tháo chạy, nhiều gia đình xung quanh nơm nớp lo sợ cũng trở thành lời cảnh báo an toàn trong xây dựng.

Công trình đang xây dựng tại số 217-219 Lê Duẩn gây sụt lún, nghiêng ngôi nhà 4 tầng và uy hiếp đến trường học, các hộ gia đình xung quanh.

Công trình đang xây dựng tại số 217-219 Lê Duẩn gây sụt lún, nghiêng ngôi nhà 4 tầng và uy hiếp đến trường học, các hộ gia đình xung quanh.

Ngay sau sự cố này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi các chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công trên địa bàn thành phố yêu cầu thực hiện các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn xây dựng khi thi công công trình xây chen. Đơn vị này yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu thi công có kinh nghiệm đối với các công trình xây chen, có phần móng sâu hoặc có hầm. Trước khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt biện pháp thi công công trình theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 112 Luật Xây dựng số 50/QH/2014. Đối với công trình có tầng hầm, yêu cầu có biện pháp gia cố để tránh sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho bản thân công trình và công trình lân cận; chủ đầu tư phải thuê tư vấn độc lập đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định để thẩm tra thiết kế biện pháp thi công của nhà thầu trước khi chấp thuận theo quy định tại Chỉ thị số 07/2007/CT-BXD ngày 5-11-2007 của Bộ Xây dựng. Cạnh đó, chủ đầu tư cần phối hợp với chủ các công trình lân cận để kiểm tra, xác nhận hiện trạng như tình trạng lún, nghiêng, nứt, thấm dột và các biểu hiện bất thường khác của công trình đồng thời dự kiến các công trình lân cận có khả năng bị ảnh hưởng để thực hiện việc kiểm tra, xác nhận hiện trạng.

Đặc biệt, chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu thi công lập hệ thống quan trắc biến dạng công trình và công trình lân cận trong suốt quá trình thi công xây dựng; thường xuyên tổ chức theo dõi hiện trạng các công trình lân cận, khi phát hiện có dấu hiệu ảnh hưởng đến các công trình lân cận thì phải tiến hành khảo sát đưa ra các biện pháp xử lý khắc phục. Nếu ảnh hưởng ở mức độ nguy hiểm thì phải dừng thi công, thông báo cho chính quyền địa phương và đưa ra các giải pháp sơ tán người, xử lý sự cố và phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại do mình gây ra. Đối với đơn vị tư vấn giám sát, Sở Xây dựng yêu cầu, trong quá trình giám sát thi công xây dựng công trình, phải kịp thời phát hiện, cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình, báo cáo chủ đầu tư để xử lý các vấn để phát sinh có thể xảy ra liên quan đến an toàn công trình và công trình lân cận tuân thủ theo các quy định hiện hành.

Đối với nhà thầu thi công, phải thực hiện khảo sát bổ sung để lập thiết kế biện pháp thi công bảo đảm an toàn và chỉ được khởi công xây dựng khi đã có giải pháp thi công bảo đảm an toàn được chủ đầu tư phê duyệt và có đủ các điều kiện khác theo quy định hiện hành. Quá trình thi công xây dựng công trình tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công đã được phê duyệt. Trong quá trình thi công phải bố trí đầy đủ thiết bị và nhân lực để thi công công trình, để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh có thể xảy ra. Nhà thầu cũng phải thực hiện lập hệ thống quan trắc biến dạng công trình và công trình lân cận. Khi có dấu hiệu bất thường phải tạm dừng thi công và báo cho chủ đầu tư để tìm biện pháp xử lý; nếu cố tình không thông báo để xảy ra sự cố thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Theo ông Võ Tấn Hà – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số sự cố tại các công trình xây chen, có phần móng sâu hoặc có hầm, ảnh hưởng đến an toàn công trình và đang xây và các công trình lân cận. Để xảy ra sự cố, các đơn vị chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các quy định về an toàn xây dựng, giải quyết sự cố và tranh chấp về chất lượng công trình. Chính vì vậy văn bản của Sở yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm những biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Riêng đối với công trình đang xây dựng tại số 217-219 Lê Duẩn xuất hiện sự cố gây sụt lún khiến nhà bên cạnh bị nghiêng, ông Hà cho biết, Sở đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, báo cáo sự cố công trình ảnh hưởng đến các công trình lân cận.

Trong những ngày qua, chủ đầu tư đang thực hiện giải pháp gia cố, chống đỡ tại những khu vực nguy hiểm đối với các công trình lân cận bị ảnh hưởng, đặc biệt công trình nhà số 215 Lê Duẩn. Nếu đánh giá công trình nào xung quanh không đảm bảo an toàn thì phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện di dời ngay người dân. Hiện chủ đầu tư phải tiến hành thuê đơn vị có năng lực kiểm tra sự cố công trình, để xác định nguyên nhân trong quá trình thi công gây ra sự cố các công trình lân cận và đưa ra biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình. Thời gian hoàn thành công tác khắc phục là trong tháng 10-2020. “Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục tiến hành quan trắc nghiêng, lún cho các công trình lân cận bị ảnh hưởng, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường xảy ra, đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình xung quanh”, ông Hà cho biết.

ĐÔNG A

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_233463_thuc-hien-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-tai-cac-co.aspx