Thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến 2020: Nhiều bước tiến trong công tác quản lý hải quan

Thực hiện thủ tục hải quan chủ yếu bằng phương thức điện tử, cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan; áp dụng cơ chế doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt về thủ tục theo các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới; trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được áp dụng trong kiểm tra, giám sát hải quan… đã tạo nên những thay đổi trong công tác quản lý hải quan, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại, phù hợp chuẩn mực quốc tế.

Thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại các cảng biển, hàng không nhằm hieejnd dại hóa công tác giám sát hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN. Trong ảnh: Cảng Cát Lái-TPHCM một trong những cảng triển khai hiệu quả hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động. Ảnh: Huy Khâm.

Thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại các cảng biển, hàng không nhằm hieejnd dại hóa công tác giám sát hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN. Trong ảnh: Cảng Cát Lái-TPHCM một trong những cảng triển khai hiệu quả hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động. Ảnh: Huy Khâm.

Quản lý hải quan hiện đại đáp ứng chuẩn mực quốc tế

Có thể thấy, với nỗ lực cải cách thủ tục và chuẩn hóa công tác quản lý hải quan đáp ứng yêu cầu hải quan hiện đại, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, các chế độ quản lý hải quan đã được chuẩn hóa phù hợp với các quy định tại Công ước Kyoto sửa đổi. Luật Hải quan năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử, thực hiện việc trao đổi thông tin trước khi hàng đến. Đặc biệt, hệ thống thông quan hàng hóa tự động đã mang lại hiệu quả rõ rệt và lợi ích thiết thực cho các DN XNK và công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đối với DN giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan, tiết kiệm chi phí, hạn chế sai sót trong quá trình nhập dữ liệu, giảm phụ thuộc vào văn bản giấy tờ…. Việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý hải quan hiện đại. Hệ thống VNACCS/VCIS được triển khai tại tất cả các cục hải quan (35/35), các chi cục hải quan trên cả nước, với cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, triển khai thủ tục hải quan đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, theo đó, với việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS, ngay năm 2014, thủ tục hải quan điện tử được thực hiện tại 100% cục hải quan, 100% các chi cục hải quan, 100% các loại hình hải quan cơ bản, 99% kim ngạch XNK, 99% DN đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Thời gian tiếp nhận và thông quan đối với luồng Xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với luồng Vàng thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.

Về thời gian thông quan, tính trung bình từ khi DN đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan/giải phóng hàng đối với hàng NK chỉ còn dưới 2 ngày; thời gian thông quan trung bình đối với hàng hóa XK còn dưới 6 giờ, đối với lô hàng luồng Xanh, không phải nộp thuế thì thời gian này chỉ còn 4 giây.

Liên tục trong các năm 2016, 2017 Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước ASEAN về thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới. Phấn đấu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng qua biên giới của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm và giữ vứng vị trí thứ 4/10 nước ASEAN.

Về thực hiện DN ưu tiên, chế độ này được áp dụng từ năm 2011, đến nay các quy định về DN ưu tiên đã được quy định tương đối đầy đủ. Theo thống kê từ Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), đến đầu tháng 2/2019, Tổng cục Hải quan đã công nhận 66 DN ưu tiên. Về triển khai công nhận lẫn nhau với các quốc gia triển khai chương trình DN ưu tiên, Tổng cục Hải quan đã và đang thực hiện đàm phán thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chương trình DN ưu tiên với Hải quan Hàn Quốc.

Việc áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại còn được thể hiện bằng việc ngành Hải quan triển khai công tác giảm sát hải quan tự đồng tại các cảng biển, hàng không, nhằm hiện đại hóa công tác giám sát hàng hóa. Thời gian qua Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (Hệ thống VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai hệ thống VASSCM hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho, bãi, cảng đơn giản hơn; giảm tiếp xúc giữa hải quan và DN; giảm thời gian đi lại làm thủ tục hải quan của DN XNK khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của DN.

Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK

Cùng với cải cách quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cũng tích cực đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành trong việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đơn giản thủ tục, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK.

Riêng trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã chủ động phối hợp với các bộ đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK theo yêu cầu tại Nghị quyết 19/NQ-CP từ các năm 2014-2018 của Chính phủ. Trong giai đoạn này, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK có nhiều chuyển biến rõ rệt; nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đã đáp ứng yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP. Nhiều bộ đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo yêu cầu; nhiều văn bản mới được sửa đổi, ban hành mới theo hướng tạo thuận lợi cho DN, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra, minh bạch hóa danh mục hàng hóa kèm mã số HS…

Các bộ đã thực hiện điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đồng thời tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-hai-quan-den-2020-nhieu-buoc-tien-trong-cong-tac-quan-ly-hai-quan-99945.html