Thực hiện chuẩn mực văn hóa ứng xử trong nhà trường

Trường học là nơi giáo dục nhân cách cho các em học sinh. Bởi vậy, việc thực hiện những quy tắc ứng xử trong trường học đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục.

Gần đây, xảy ra hàng loạt các vụ việc ứng xử thiếu văn hóa giữa giáo viên với học sinh, giữa phụ huynh với giáo viên hay ngược lại, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh nhà giáo, cũng như niềm tin vào môi trường sư phạm. Các vụ bạo hành trẻ mầm non, giáo viên phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng hay phụ huynh ép giáo viên quỳ gối… khiến cho nhiều người lo lắng về cách hành xử không thân thiện, thậm chí thiếu văn hóa trong môi trường này.

"Quy tắc ứng xử trong trường học là hết sức cần thiết, nhất là ở giai đoạn hiện nay, mọi công việc, hành động đều cần được quy chuẩn rành mạch để có căn cứ thực hiện, cũng như xử lý nếu xảy ra những ứng xử lệch chuẩn" - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhận xét. Ðề án tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ mục tiêu là nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Ðề án bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo, vùng miền.

Bên cạnh đó, đề án cũng đặt ra yêu cầu về tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Theo đó, nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường hiệu quả. Về phía gia đình, các phụ huynh có trách nhiệm giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng. Phối hợp với nhà trường cập nhật, trao đổi thông tin, tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; tham gia tích cực trong các buổi họp, gặp gỡ trao đổi, xử lý các tình huống có liên quan. Tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nêu gương cho người học trong ứng xử văn hóa.

Ðề án đưa ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2018 - 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ GD-ÐT ban hành. Trên cơ sở quy định khung này, các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan gồm cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh...

"Quy tắc ứng xử trong trường học là cần thiết, nhưng nếu chỉ xây cho có mà không triển khai, giám sát thì cũng chỉ là khẩu hiệu, bảng hiệu, dán ở đó nhưng không mang lại ý nghĩa thiết thực như mục tiêu của đề án" - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đánh giá. Theo tiến sĩ Lâm, quy tắc cần xây dựng một cách cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, gắn với thực tiễn để thực hiện hiệu quả, đem lại định hướng và chuẩn mực từ tư duy cho đến hành động. "Nếu lại chỉ làm vì thi đua, bình xét, xây xong để đấy, không ứng dụng, không phổ biến, không xử lý khi có những hành vi không đúng quy tắc thì chỉ như khẩu hiệu suông", Tiến sĩ Lâm nhận định.

Về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Lan Anh, Trường tiểu học Nghĩa Ðô, Cầu Giấy cho biết: "Trường chúng tôi đã xây dựng quy tắc ứng xử từ năm 2017. Tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết để tất cả mọi người có căn cứ thực hiện, điều chỉnh hành vi của mình khi đứng trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, nếu không tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và ứng dụng vào thực tế hằng ngày thì những quy tắc này sẽ ít người biết đến, dẫn đến không thực hiện đúng chuẩn, do đó sẽ không phát huy tác dụng như mong muốn".

Về việc triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học ở Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, hiện nay hầu hết các trường đều có nội quy và bộ quy tắc dựa trên khung quy tắc ứng xử của thành phố ban hành. "Hà Nội vừa nhận được Bộ quy tắc ứng xử do Bộ GD-ÐT xây dựng, chúng tôi sẽ sớm tiến hành tích hợp, bổ sung với quy tắc hiện hành của Hà Nội để có quy chuẩn chung cho các trường thực hiện. Tránh tình trạng có quá nhiều quy tắc, quy định, nội quy nhưng lại không đi vào thực tế" - ông Tiến cho biết.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38112402-thuc-hien-chuan-muc-van-hoa-ung-xu-trong-nha-truong.html