Thực hiện chuyển đổi số ở Bắc Giang: Chuyển biến từ hai xã điểm

Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang triển khai mô hình điểm chuyển đổi số (CĐS) cấp xã tại hai xã Hồng Giang (Lục Ngạn) và Phúc Hòa (Tân Yên). Sau hơn một năm thực hiện, mô hình từng bước phát huy hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về CĐS.

Thay đổi trên cả 3 trụ cột

Những năm qua, xã Phúc Hòa phát triển mạnh các loại cây ăn quả, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Thực hiện mô hình điểm về CĐS, xã được tỉnh đầu tư khá đồng bộ từ cơ sở hạ tầng viễn thông đến xây dựng bộ phận điều hành thông minh (IOC) và triển khai hệ thống camera an ninh. Cùng đó là các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử; hệ thống cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng.

Đáng chú ý, Phúc Hòa là địa phương duy nhất được hỗ trợ xây dựng sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Trên sàn giao dịch này, các hộ sản xuất, kinh doanh và người dân có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trao đổi, mua bán, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa. Sau gần 4 tháng ra mắt, toàn xã có gần 200 gian hàng đăng ký trên sàn thương mại điện tử http://phuchoamart.vn với các sản phẩm chủ lực như: Vải sớm, ổi, bưởi, mật ong hoa vải, rượu…

Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa nói: “Dù lượng hàng hóa bán qua sàn thương mại điện tử chưa nhiều song đây thực sự là dấu mốc quan trọng trong việc áp dụng công nghệ số để nâng tầm nông sản địa phương. Chúng tôi kỳ vọng, vụ vải thiều năm nay, thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng, giá trị tăng hơn nhờ sàn thương mại điện tử”.

Người dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Người dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Với các trụ cột chính gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, mô hình CĐS cấp xã hướng đến mục tiêu từng bước tạo lập chính quyền số với hơn 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng, 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận được cập nhật, quản lý, giải quyết điện tử; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% cán bộ, công chức thực hiện chữ ký số… Đối với phát triển kinh tế số, đến nay 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng các hình thức dựa trên nền tảng số.

Về xã hội số cũng đạt hiệu quả khi có hơn 50% công dân trong độ tuổi lao động có tài khoản dịch vụ công; 50% người dân cài đặt sổ sức khỏe điện tử… Tại xã Hồng Giang, đến nay, 100% các thôn có sóng 4G, tăng 10% so với khi chưa thực hiện CĐS; tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận, sử dụng dịch vụ internet chiếm hơn 85%. Về triển khai các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số, đến nay 80% thủ tục hành chính cấp xã được giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 100%.

Đồng hành để chuyển đổi số thành công

Mô hình CĐS ở hai xã Phúc Hòa và Hồng Giang đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên do nhận thức về CĐS của một bộ phận người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn còn chưa đầy đủ, chưa thấy được tầm quan trọng của CĐS nên hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng; việc hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đồng bộ.

Đến nay , 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại hai xã Phúc Hòa và Hồng Giang triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Có hơn 50% công dân trong độ tuổi lao động có tài khoản dịch vụ công; 50% người dân cài đặt sổ sức khỏe điện tử.

Tại xã Phúc Hòa, dù mới được đầu tư 9 cụm loa truyền thanh thông minh song do khâu khai thác hạn chế nên hiệu quả chưa cao, chất lượng âm thanh chưa tốt; việc sử dụng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản trong giọng nói chưa được khai thác triệt để. Hay như tại xã Hồng Giang, dù 100% hộ kinh doanh trên địa bàn xã áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt song tỷ lệ khách hàng thực hiện còn thấp. Chị Phạm Thu Trang, chủ cửa hàng Thế giới sữa, thôn Kép 1, xã Hồng Giang nói: “Bình quân mỗi tháng cửa hàng bán hơn 200 triệu đồng tiền hàng, có ngày bán được hơn 10 triệu đồng. Dù rất muốn khách hàng thanh toán bằng tài khoản để cuối ngày chúng tôi chốt sổ, chuyển tiền về công ty song tỷ lệ thanh toán bằng hình thức này rất thấp (chiếm khoảng 10%)”.

Để đẩy mạnh CĐS cấp xã, năm 2023, Sở KH&CN xác định tập trung hướng dẫn, hỗ trợ hai xã Phúc Hòa và Hồng Giang hoàn thiện thiết bị, hạ tầng mạng internet cũng như hệ thống thiết bị tại bộ phận một cửa nhằm phấn đấu 100% thủ tục hành chính được số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết. Cùng đó tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hộ kinh doanh cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, sổ sức khỏe điện tử, tạo lập tài khoản dịch vụ công. Thực hiện mã hóa Sổ tay an ninh, công tác tố giác và phòng, chống tội phạm trên mã QR gắn tại nhà văn hóa thôn, địa điểm công cộng và cấp cho hộ gia đình.

Ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN nói: “Để CĐS thành công, ngoài hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần bố trí nguồn lực mua sắm trang thiết bị. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của CĐS bởi sự vào cuộc tích cực của người dân là yếu tố quan trọng làm nên thành công của chương trình. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ để hiện thực hóa mục tiêu CĐS từ cơ sở để có thể nhân rộng ra các địa phương khác”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chuyen-doi-so/399497/thuc-hien-chuyen-doi-so-o-bac-giang-chuyen-bien-tu-hai-xa-diem.html