Thực hiện chuyển đổi số ở cơ sở còn nhiều khó khăn

Trong phiên thảo luận tổ tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện tốt công cuộc chuyển đổi số.

Đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương làm rõ lý do điều chỉnh một số chỉ tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU tại phiên thảo luận tổ

Ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng

Theo đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, một trong những nguyên nhân điều chỉnh một số chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là để ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cần thiết để tạo cơ sở hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đến cuối nhiệm kỳ. Các ngành, địa phương cần tăng tính chủ động, bám sát vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong nghị quyết, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cho biết hiện quy định trong cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn nhiều bất cập. Ví dụ, hiện chỉ có thể lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ trong 1 năm mà không có căn cứ lập, phê duyệt trên 1 năm đến 5 năm.

“Trong trường hợp thực hiện đấu thầu thuê dịch vụ không quá 1 năm, dịch vụ sẽ bị gián đoạn trong thời gian thực hiện các thủ tục và quy trình thực hiện đấu thầu ở các năm tiếp theo. Nếu năm tiếp theo, nhà thầu khác trúng thì sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống, quy trình. Về việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn còn đang nghiên cứu để có biện pháp tháo gỡ”, đồng chí Nguyễn Cao Thắng cho biết thêm.

Video trích ý kiến phát biểu tại thảo luận tổ của đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương

Sau khi kiến nghị cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh các mục tiêu thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương cũng cho rằng cần đánh giá những mô hình, cách làm hay về chuyển đối số trong tỉnh để nhân rộng.

“Cùng với việc phấn đấu tăng thứ hạng các tiêu chí của chuyển đổi số so với cả nước, tỉnh cũng cần nhấn mạnh, đánh giá hiệu quả chuyển đổi số mang lại những thay đổi như thế nào trong thực hiện các nhiệm vụ và người dân được hưởng lợi như thế nào khi thực hiện chuyển đổi số”, đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân đề nghị.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị thời gian tới cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số. “Ví dụ, tỉnh cần có giải pháp xác định, đánh giá một cách rõ ràng về điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin của cán bộ để đưa ra giải pháp thiết thực; cần có sự thống nhất, đồng thuận từ trên xuống dưới. Các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng ứng dụng để công nhân, người lao động tra cứu liên quan đến công việc, người lao động”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hòa nêu.

Đầu tư hạ tầng cho cơ sở đồng bộ và sớm hơn

Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho rằng mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU đặt ra cao, chưa phù hợp với thực tế nên khó đưa vào cuộc sống. “Hiện hạ tầng cơ sở, trang thiết bị ở cấp huyện và xã còn thiếu thốn không đáp ứng được nhiệm vụ. Tỉnh cần kiểm tra, đánh giá, rà soát lại và quan tâm làm từ việc nhỏ, nhất là gắn với cuộc sống, hoạt động thực tế của người dân, để người dân thấy được lợi ích lựa chọn các loại hình dịch vụ, nội dung liên quan”, đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Miện nêu ý kiến.

Cùng quan điểm trên, đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng cho biết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về con người. Đồng chí đề nghị tỉnh cần nghiên cứu cơ chế, chính sách, bổ sung biên chế cho cấp xã về tin học, công nghệ thông tin; tăng cường tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức từ cơ sở.

Theo đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TU thì việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức đầu vào đã phải bảo đảm đáp ứng vấn đề trình độ thông tin. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh để tăng cường chuyển đổi số.

Cũng cho rằng cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về công nghệ thông tin, đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ kiến nghị cần đầu tư hạ tầng cho cơ sở một cách đồng bộ và sớm hơn nữa. Khi hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, đồng bộ thì mới có thể thực hiện tốt chuyển đổi số. Tỉnh cũng cần xem xét về cơ chế mua sắp tập trung với các thiết bị công nghệ thông tin vì nếu mua sắp tập trung sẽ mất rất nhiều thời gian.

Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị tỉnh cần có chính sách, xây dựng vị trí việc làm một cách phù hợp để thu hút nhân lực công nghệ thông tin vào làm việc tại các cơ quan, địa phương. Cùng với đó, tỉnh cần đẩy mạnh, quyết liệt việc số hóa cơ sở dữ liệu dùng chung; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

PV

>>> 17 nhiệm vụ trọng tâm của Hải Dương trong thời gian tới

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chuyen-doi-so/video-thuc-hien-chuyen-doi-so-o-co-so-con-nhieu-kho-khan-231022