Thực hiện Công ước chống tra tấn trong bảo vệ người khiếu nại, tố cáo và các nhân chứng

Pháp luật của Việt Nam đã có những quy định hết sức rõ ràng và cụ thể về quyền khiếu nại, tố cáo và các biện pháp bảo vệ những người khiếu nại, tố cáo và các nhân chứng.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo hoặc làm hại người khác” (Điều 30).

Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hình sự hóa hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 132), theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; hoặc có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu trả thù người khiếu nại, tố cáo thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục có những thay đổi quy định về hành vi cấu thành tội phạm và hình phạt của tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo theo hướng tiến bộ hơn, cụ thể hơn và nghiêm khắc hơn, như sau: tăng hình phạt tù tối thiểu từ 3 tháng lên 6 tháng, hình phạt tù tối đa từ 5 năm lên 7 năm; bổ sung các hình thức định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 166).

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, công dân có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó. Cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo biết và có biện pháp khắc phục (Điều 31). Người khiếu nại được hưởng 5 nhóm quyền (khoản 1 Điều 326) như: được khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự; được nhận văn bản trả lời về việc giải quyết khiếu nại; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định tại các Điều từ 229 đến 233. Người tố cáo được hưởng 4 nhóm quyền (khoản 1 Điều 335) như yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình; yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo, trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định tại Điều 337 và 338 Bộ luật này. Để bảo đảm các quyền này được thực hiện nghiêm túc, Bộ luật đã quy định quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự (Điều 339).

Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 mở rộng chủ thể, quy định rõ hơn các quyền của người khiếu nại, tố cáo so với Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể là thay chủ thể công dân thành cá nhân; tăng đảm bảo cho người khiếu nại, tố cáo thông qua việc nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác... (Điều 32).

Luật Khiếu nại năm 2011 quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời (Điều 4); nghiêm cấm cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại... (Điều 6).

Luật Tố cáo năm 2011 quy định việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định pháp luật; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo (Điều 4). Khi tiếp nhận, giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm... Nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền này vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật (Điều 5).

Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định về việc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật trong hoạt động thi hành án hình sự tại các Điều 4, 150, 154... Để giám sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật cũng quy định Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền (Điều 142).

Ngoài ra, các quy định về đảm bảo quyền khiếu nại và được giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng và công bằng, cũng như nghĩa vụ bảo vệ những người khiếu nại, tố cáo và các nhân chứng chống lại sự ngược đãi hoặc đe dọa do việc khiếu nại, tố cáo hoặc cung cấp chứng cứ còn được quy định tại rất nhiều văn bản khác nhau như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Công an nhân dân năm 2014, Luật An ninh quốc gia năm 2004. Tóm tắt một số vụ việc cụ thể đã xảy ra và hiệu quả của các quy định nêu trên.

Từ năm 2011 đến 2015, Bộ Công an đã tiếp nhận 24 tin báo, tố giác liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; đã giải quyết 16 vụ, đang giải quyết 8 vụ. Trong khi đó, từ năm 2010 đến 15-10-2016, VKSND tối cao đã tiếp nhận 82 tin báo, tố giác về tội phạm có dấu hiệu về tội bức cung, dùng nhục hình; đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 15 tố giác/25 bị can, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với 51 tố giác, đang xác minh 16 tin báo.

Nhiều tin báo, tố giác được kiểm tra, xác minh có dấu hiệu về tội bức cung, dùng nhục hình thì đều được điều tra, xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tin báo, tố giác được kiểm tra, xác minh không có dấu hiệu về tội bức cung, dùng nhục hình như vụ việc ông Nguyễn Đức Thắng, ở Phù Ninh tỉnh Phú Thọ tố cáo cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh, TP Hà Nội có hành vi đánh đập, ép cung buộc ông Thắng nhận tội; vụ việc ông Nguyễn Văn Nam ở Xuân Trường, Nam Định tố cáo các ông Sỹ, Duy và một số cán bộ thuộc CA huyện Xuân Trường có hành vi đánh đập, ép cung để khép ông vào tội chống người thi hành công vụ.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-hien-cong-uoc-chong-tra-tan-trong-bao-ve-nguoi-khieu-nai-to-cao-va-cac-nhan-chung-160020.html