Thực hiện Công ước ICCPR trong việc bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc

Tại Việt Nam hiện có 53 dân tộc thiểu số với dân số 13.386.330 người, chiếm 14,33% dân số cả nước. Nhà nước Việt Nam dành nhiều ưu tiên trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 154 chính sách, được quy định tại 243 văn bản.

Hiến pháp quy định “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Điều 5). Hiến pháp cũng ghi nhận các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Đồng bào các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ dân sự để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình. Với ý nghĩa quan trọng của vấn đề dân tộc, Hiến pháp quy định rõ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các chính sách dân tộc.

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói chữ viết, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói chữ viết, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Trong cơ cấu của Nhà nước có Hội đồng dân tộc do Quốc hội bầu ra, có nhiệm vụ kiến nghị các vấn đề về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội đồng dân tộc được tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ. Trong Chính phủ, có một cơ quan ngang Bộ là Ủy ban Dân tộc nhằm chăm lo và bảo vệ mọi quyền lợi của các dân tộc thiểu số.

Người dân tộc thiểu số có quyền học tập bằng ngôn ngữ của dân tộc mình theo quy định tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15-7-2010 của Chính phủ về việc quy định dạy và học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên và Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc. Năm học 2015-2016, Việt Nam có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 50 tỉnh, TP trực thuộc trung ương với số lượng 91.193 học sinh (tăng 06 trường, 2.946 học sinh so với năm học 2013 – 2014). Ngoài ra, Việt Nam vẫn duy trì dạy 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số tại 20 tỉnh, bao gồm tiếng Chăm, Khmer, Êđê, Bahnar, Jrai, Hmông, Thái, Hoa.

Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được triển khai tích cực trên địa bàn vùng dân tộc đã mang lại kết quả tốt, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao một bước đời sống của đồng bào. Các chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, trong đó có chính sách giao đất, giao rừng để đồng bào phát triển cây trồng và chăn nuôi đã mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, đồng thời hỗ trợ đồng bào thực hiện quyền phát triển của dân tộc mình. Tính đến năm 2015, cứ 100 hộ dân tộc thiểu số thì có 46,7% nhà kiên cố, 43,7% nhà bán kiên cố và 9,6% nhà tạm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi cuối năm 2015 khoảng 16,8%. Đến năm 2016, tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 2% so với năm 2015, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Năm 2011 và năm 2016, Chính phủ đã lần lượt phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” và “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Hiện nay tỷ lệ hộ dân được nghe đài, phát thanh đạt 90%, tỷ lệ được xem truyền hình đạt hơn 80%. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng miền được tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc các dân tộc, nhiều chương trình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số như: Mông, Ê đê, Chăm, Khmer... Nhiều di sản văn hóa dân tộc được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia; Tổ chức UNESCO đã công nhận một số di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là di sản văn hóa thế giới như: “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thánh địa Mỹ Sơn”...

Hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều có cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các cương vị chủ chốt như nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam (giai đoạn năm 2001 – 2011), Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội… Tại cơ quan Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm là người dân tộc thiểu số, 4/5 Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm và phần lớn lãnh đạo cấp vụ đều là người dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào lĩnh vực chính trị ngày càng tăng. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 chiếm 17,4% tổng số đại biểu Quốc hội (cao hơn gần 2% so với Quốc hội nhiệm kỳ 2011 – 2016). Tính đến ngày 30-6-2014, tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan từ trung ương đến địa phương là 18.116 người (chiếm khoảng 5%). Tháng 3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới” cho giai đoạn 2016- 2020, hướng tới mục tiêu triển khai có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, bảo đảm đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm tỷ lệ hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến sở.

Việc tham vấn ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với việc lập đề nghị, soạn thảo văn bản và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phát triển kinh tế xã hội đều phải tham khảo ý kiến của đối tượng bị tác động. Đối với chính sách pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc cư trú thì đều phải lấy ý kiến trực tiếp của họ hoặc thông qua ý kiến của tổ chức chính quyền địa phuơng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc và miền núi có chuyển biến tích cực, dịch vụ trợ giúp pháp lý đang tiếp cận với người dân. Tại 100% các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và 201 Chi nhánh của trung tâm đặt ở cấp huyện và liên huyện và 424 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Các tổ chức này thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… để giúp đỡ người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng yếu thế khác giải quyết các tranh chấp, vướng mắc về pháp luật. Từ năm 2007 đến hết năm 2016, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho gần 308.722 lượt đối tượng là người dân tộc thiểu số, cấp phát khoảng 1,3 triệu tờ gấp pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số để phổ biến, giáo dục pháp luật và quyền được trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-hien-cong-uoc-iccpr-trong-viec-bao-dam-quyen-binh-dang-giua-cac-dan-toc-167498.html