Thực hiện Công ước ICCPR trong việc quy định trục xuất

Tại Điều 3 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định, một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia thành viên Công ước chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật và trừ trường hợp có yêu cầu khác xuất phát từ lý do chính đáng về an ninh quốc gia...

Tại Việt Nam trục xuất là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (các Điều 21 và 27). Trục xuất cũng được xác định là một hình phạt chính hoặc bổ sung trong BLHS (Điều 32). Theo các quy định này, trục xuất chỉ được áp dụng đối với đối tượng là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam hoặc người nước ngoài bị kết án hình sự.

ảnh minh họa

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong trục xuất người theo thủ tục hành chính (TTHC). Người bị trục xuất được khiếu nại, tố cáo và được hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất theo quy định của pháp luật (Điều 8, 9 Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 2-10-2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo TTHC và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất).

Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành án phạt trục xuất quy định cụ thể về việc lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn và chi phí trục xuất… (các Điều 99, 100 và 102) nhằm đảm bảo thực hiện hình phạt trục xuất. Người chấp hành hình phạt trục xuất có quyền được kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp: đang ốm nặng, đang cấp cứu không thể đi lại được và được cơ quan y tế hoặc BV từ cấp tỉnh trở lên xác nhận; phải chấp hành bản án khác hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc có lý do chính đáng khác mà chưa thể rời khỏi lãnh thổ Việt Nam và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự CA cấp tỉnh xác nhận. Người chấp hành hình phạt trục xuất có quyền được mang theo tài sản hợp pháp của mình khi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam (Điều 101).

Từ năm 2011 đến tháng 2-2016, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực hiện trục xuất hình sự 54 người theo quyết định của tòa án; trục xuất 167 người theo TTHC. Đa số người phạm tội bị tòa án tuyên hình phạt trục xuất đều tự giác chấp hành rời khỏi Việt Nam, CQCA chưa phải tiến hành cưỡng chế trường hợp nào mà chỉ hỗ trợ giải quyết các thủ tục xuất cảnh.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-hien-cong-uoc-iccpr-trong-viec-quy-dinh-truc-xuat-168624.html