Thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động: Băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả

Quan tâm đến việc thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động, các đại biểu Quốc hội cho rằng, một số quy định còn chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức này.

Ngày 7-9, tại Nhà Quốc hội, sau phát biểu khai mạc hội nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu ở Kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022).

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung hội nghị. Ảnh: VPQH

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung hội nghị. Ảnh: VPQH

Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua có kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn có những bất cập, vướng mắc, người dân chưa phát huy được quyền làm chủ, quyền được biết, bàn, quyết định, kiểm tra, thụ hưởng của mình. Đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân là do chính quyền cơ sở còn thực hiện dân chủ một cách tương đối hình thức.

Cho rằng các quy định trong dự thảo luật là tương đối hợp lý, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ mong muốn khi luật được ban hành, các chính quyền địa phương sẽ bám sát nội dung, tích cực tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc để bảo đảm luật có tác động tích cực trong thực tiễn.

Quan tâm đến việc thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, một số quy định còn chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức này.

Cụ thể, theo đại biểu, việc công khai thông tin kinh doanh của xí nghiệp, công ty đối với toàn thể người lao động là việc không thực tế, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tình hình sản xuất, làm lãng phí nguồn lực, lộ bí mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp… Từ đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ để bảo đảm quy định của luật có tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: VPQH

Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cũng quan tâm đến vấn đề mở rộng phạm vi của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở sang lĩnh vực của doanh nghiệp, của tổ chức sử dụng lao động.

Đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ lo lắng khi mở rộng phạm vi luật sang lĩnh vực các tổ chức có sử dụng lao động sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và không khả thi. Theo lý giải của đại biểu, về mặt lý luận, dân chủ là người dân làm chủ, thể hiện mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước.

Nhấn mạnh “trong mối quan hệ này, người dân là người chủ thật sự”, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc đặt vấn đề quan hệ dân chủ ở cơ sở hay dân chủ trong mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước là hoàn toàn xác đáng và dự án luật này nhằm điều chỉnh, làm sâu sắc, bảo đảm quyền làm chủ của người dân là rất thuyết phục.

Tuy nhiên, nhìn vào mối quan hệ trong tổ chức sử dụng lao động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, mối quan hệ này gọi là hợp tác. Hợp đồng lao động thể hiện bằng hợp đồng và về bản chất, người trả lương là chủ sử dụng lao động đó. Còn người lao động là người đi làm thuê.

“Vậy bây giờ chúng ta đặt ra vấn đề ngược lại, người chủ trả tiền để thuê lao động, ông ấy lại là đối tượng để cho người khác làm chủ mình. Vậy về mặt nguyên tắc lý luận như vậy liệu đã “thông” chưa, có thỏa đáng không?”, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn.

Do đó đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị nên cân nhắc để làm rõ, bởi lẽ, "mục tiêu chính của chúng ta là bảo vệ quyền lợi của người lao động trong mối quan hệ giữa người làm thuê với doanh nghiệp” và để bảo vệ quyền lợi người lao động thì chúng ta đã có một loạt các luật quy định chặt chẽ như: Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm thất nghiệp, Luật Thi đua, khen thưởng... Các luật này được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát thi hành một cách chặt chẽ.

Vì vậy, đại biểu thấy rằng không nhất thiết phải quy định nội dung này thành luật riêng, chỉ cần bổ sung, sửa đổi quy định ở các luật hiện hành nêu trên. Bởi thực tế thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp hiệu quả không cao, nếu vội vàng luật hóa nội dung này thì không bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả của luật trong thực tiễn. Mặt khác, có khả năng một số đối tượng sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh...

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: VPQH

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cũng bày tỏ thống nhất với nhiều đại biểu phát biểu trước đó về quy định kiểm tra, giám sát ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, đây là vấn đề mới, chưa có thực tiễn thi hành kiểm chứng. Do vậy nếu cầu toàn, đưa tất cả các nội dung của doanh nghiệp nhà nước áp dụng với doanh nghiệp ngoài nhà nước là không phù hợp và không khả thi.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần phân định các quy định theo nhóm chủ thể là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trên cơ sở đó thiết kế các quy định ở mức độ phù hợp với từng đối tượng, có được thực tiễn triển khai sau một thời gian có thể tiến hành tổng kết, đánh giá; từ đó sửa đổi, bổ sung về sau.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thuc-hien-dan-chu-o-cac-to-chuc-co-su-dung-lao-dong-ban-khoan-ve-tinh-kha-thi-hieu-qua-704759