Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông

Xử lý các 'điểm đen' về an toàn giao thông; đẩy mạnh phong trào tự quản về an toàn giao thông và siết chặt công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe... là những giải pháp được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng của năm 2018, triển khai nhiệm vụ quý IV-2018, diễn ra vào ngày 11-10 vừa qua.

Học sinh là đối tượng hướng tới của Năm An toàn giao thông 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”. Ảnh: Thùy Trang

Hơn 6.000 người chết do tai nạn giao thông

Trong 9 tháng của năm 2018 (tính từ ngày 16-12-2017 đến 15-9-2018), trên cả nước đã xảy ra 13.232 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.012 người và làm bị thương trên 10.000 người (so với cùng kỳ năm 2017, giảm 7,8% số vụ, giảm 1,84% số người chết và giảm 12,45% số người bị thương). Trong đó, số nạn nhân là trẻ em dưới 18 tuổi bị thương vong do tai nạn giao thông gần 1.000 người. Chỉ tính riêng tháng 9-2018, cả nước xảy ra 1.460 vụ tai nạn giao thông, làm chết 646 người và làm bị thương 1.119 người (so với tháng cùng kỳ năm 2017, giảm 7,42% số vụ, tăng 4,19% số người chết, giảm 12,44% số người bị thương).

Theo thống kê, có 38 địa phương trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2017; 23 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó, có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Cao Bằng, Tây Ninh, Bắc Giang. Nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông là người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm trên 25%. Ngoài ra, trên 9% vi phạm tốc độ xe chạy; gần 10% do chuyển hướng không chú ý; trên 7% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; gần 4% do sử dụng rượu bia và trên 36% số vụ tai nạn giao thông chưa xác định nguyên nhân cụ thể.

Bên cạnh đó, trên cả nước còn xảy ra tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách. Cụ thể là hành vi đón, trả khách không đúng nơi quy định trên đường cao tốc, ngắt và không gửi dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định. Mặt khác, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” có xu hướng tăng mạnh, nhưng hiện chưa có giải pháp căn cơ để xử lý; tỷ lệ xe quá tải vẫn còn khoảng 10%, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường địa phương, có dấu hiệu tái diễn trên các quốc lộ, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... vẫn còn diễn biến phức tạp, tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ

Trước tình hình đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng của năm 2018, triển khai nhiệm vụ quý IV-2018, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông; cương quyết không để tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Để cụ thể hóa công tác bảo đảm an toàn giao thông, một số giải pháp được Phó Thủ tướng nhấn mạnh như: Xử lý rốt ráo “điểm đen” tai nạn giao thông trong năm 2019, tập trung nguồn lực thực hiện, không để kéo dài; cần có chương trình, kế hoạch thực hiện kiểm tra và đánh giá việc thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe, kiểm định chất lượng phương tiện xe cơ giới, kiểm tra nồng độ cồn hoặc chất ma túy với lái xe nhằm tạo chuyển biến rõ rệt; triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; siết chặt công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và tập huấn kỹ năng lái xe an toàn cho lái xe kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, khi có tai nạn giao thông, lực lượng chức năng phải kiểm tra, xem xét đến nơi đến chốn, công minh, truy trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; xử phạt nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Về hoạt động của xe ôm công nghệ đang phát triển, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an có điều tra, nghiên cứu, bảo đảm điều kiện về an ninh trật tự, an toàn giao thông khi cấp phép hoạt động, hạn chế những tác động tiêu cực về trật tự an toàn giao thông của loại hình này. Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến các phong trào nhân dân tự quản về công tác bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời đề nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ với MTTQ và đoàn thể, ban, ngành để các phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu. Cùng với đó, cần có giải pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà trường, bệnh viện...

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong/