Thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn

Ngày 10-7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020.

Theo thông tin từ hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, Bộ TN&MT đã có những đề xuất kịp thời từ quan điểm, giải pháp đến các biện pháp cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đã được Chính phủ quyết định trong Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 như: Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện đầu tư; đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đề xuất các chính sách về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường; chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng.

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, cải cách hành chính tiếp tục được Bộ TN&MT đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm được hơn 1.047 tỷ đồng/năm. Tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh. Trong đó, có 33 dịch vụ công mức độ 4, đạt 30% số dịch vụ hoàn thành yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 ngày 01-01-2020; hoàn thành trước 6 tháng các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019-2020.

Các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển; trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất tính đến ngày 15-5-2020 đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34% so với năm 2015. Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực TN&MT ở địa phương tăng từ 80% lên 85,62%; chỉ số hài lòng về công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đạt 83,82%...

Quang cảnh hội nghị.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vấn đề đổi mới, sáng tạo đã được Bộ TN&MT thúc đẩy với hệ thống họp trực tuyến, hệ thống thông tin dữ liệu báo cáo, Trung tâm Điều hành thông minh, phần mềm theo dõi kết quả quan trắc, ô nhiễm không khí Envisoft, bản đồ đo mưa với độ phân giải 1 km để cảnh báo lũ, sạt lở đất; phát triển kênh chia sẻ, trao đổi thông tin dự báo trực tuyến với các cơ quan dự báo quốc tế và trong nước; đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả 10 trạm radar thời tiết tạo ra mạng lưới cơ bản bao trùm lãnh thổ Việt Nam.

Trong các tháng cuối năm, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, chủ động những nhiệm vụ liên quan đến thể chế, chính sách để tiếp tục tháo gỡ các "điểm nghẽn", thúc đẩy cải cách, đổi mới; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư năm 2020, bao gồm cả vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời, toàn ngành tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cấp độ 4; tăng cường phản ứng chính sách; phát huy mọi dư địa, tiềm năng lợi thế của ngành, lĩnh vực cho tăng trưởng; tận dụng tối đa thời cơ, đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội; tiếp tục phương châm hướng về địa phương cơ sở, giải quyết, trả lời kịp thời các vướng mắc từ thực tiễn; tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp để xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Tin, ảnh: LÊ HIẾU - KHƯƠNG TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-ung-pho-voi-han-han-xam-nhap-man-626600