Thực hiện đồng bộ để sớm hoàn thiện con đường huyết mạch dọc tuyến Bắc-Nam

Chiều 11-6, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo Tờ trình số 282/TTr-CP, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án như Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.

 Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) khẳng định: Không có phương án nào tốt hơn phương án mà Chính phủ đã trình. Nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông thông suốt, đại biểu phân tích, 45 năm sau giải phóng, đất nước chưa có một con đường cao tốc huyết mạch-đây là sự chậm trễ và là trách nhiệm của chúng ta. Đặt câu hỏi “mỗi giờ chậm trễ, chúng ta thiệt hại bao nhiêu”, đại biểu nhấn mạnh, yêu cầu cấp thiết để triển khai càng sớm càng tốt dự án cao tốc Bắc-Nam ngày nào thì càng bớt thiệt hại cho nền kinh tế ngày ấy. Mặt khác, cao tốc trải dài suốt từ Bắc vào Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các địa phương cả nước. “Nếu có cao tốc Bắc-Nam sẽ không còn tình trạng nông sản được mùa, mất giá như hiện nay nữa”, đại biểu khẳng định.

Đại biểu nêu quan điểm, việc chúng ta chuyển 3 dự án sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công là hợp lý và vẫn giữ 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP là để tiếp tục thu hút các nguồn lực xã hội. Qua các cuộc tiếp xúc cho thấy, các nhà đầu tư cũng sẵn sàng tham gia. Như vậy, chúng ta cùng một lúc phát huy 2 nguồn lực để triển khai sớm có đường cao tốc Bắc-Nam phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Đồng tình với việc chuyển đổi này song đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, việc chuyển đổi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân song đều dẫn đến một số hệ quả, ảnh hưởng đến chủ trương của Chính phủ trong việc huy động nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, đến tính chủ động của ngân sách nhà nước, lãng phí tiền bạc, thời gian, chi phí; đồng thời tác động đến dư luận xã hội, tạo tiền lệ cho giai đoạn về sau...

Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu đề nghị dự thảo lần này cần quy định rõ trách nhiệm trong bảo đảm tính khả thi của việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đối với các tổ chức, cá nhân trong thẩm định, quyết định dự án, việc chuyển đổi chỉ thực hiện trong trường hợp bất khả kháng.

Trong tờ trình, dự kiến gần 7.300 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2020 để triển khai việc thi công, lấy từ các dự án có tiến độ giải ngân chậm. Điều này, theo đại biểu, là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án khác thì cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính nhân văn, công bằng trong quá trình chuyển đổi.

Đối với 5 dự án thành phần còn lại, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP. Để tránh lãng phí, đại biểu TP Hà Nội đề nghị cần quy định rõ hình thức đầu tư với các dự án còn lại, bảo đảm tính chắc chắn, khả thi của nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). Ảnh: TTXVN.

Lưu ý đến 5 dự án thành phần còn lại của dự án vẫn tiếp tục được thực hiện theo hình thức PPP, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, với thực tế hiện nay và khả năng cho vay của ngân hàng, thì “không có gì bảo đảm là sẽ lựa chọn được nhà đầu tư”. Đây là vấn đề cần quan tâm để chấn chỉnh khâu dự báo đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, xem xét lại vì sao không kêu gọi được đầu tư, không chỉ riêng dự án cao tốc Bắc-Nam mà từ năm 2016 đến nay, không dự án BOT giao thông nào triển khai được. Việc chuyển đổi là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền lệ và tạo thành nếp nghĩ rằng cứ dùng ngân sách thì mới bảo đảm khả năng thành công. Theo đại biểu, cách đây 3 năm, nếu đầu tư toàn bộ dự án bằng ngân sách thì cũng cần thêm 22.000 tỷ đồng và đến giờ cũng cơ bản gần xong dự án. “Rõ ràng, cần chấn chỉnh các khâu dự báo chuẩn bị đầu tư, nghiêm túc đánh giá lại thực trạng để thu hút vốn đầu tư từ xã hội và triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, đại biểu nêu quan điểm.

Ủng hộ chủ trương chuyển đổi này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị Chính phủ có nghiên cứu để thực hiện cho đồng bộ, để sớm hoàn thiện con đường huyết mạch dọc Bắc-Nam đẹp, chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách đối với lĩnh vực đầu tư PPP, để làm sao thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế vào dự án, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Dẫn chứng lại bài học đầu tư dự án theo hình thức BOT, đại biểu nhấn mạnh, phải chăng những hạn chế này là do cơ chế, chính sách chưa thực sự đồng bộ, ổn định, nên chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. "Đề nghị Chính phủ cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách hành lang pháp lý cho lĩnh vực đầu tư PPP, làm sao thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều nguồn lực của xã hội trong nước và quốc tế nhất để phát triển đất nước", đại biểu đề xuất.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/thuc-hien-dong-bo-de-som-hoan-thien-con-duong-huyet-mach-doc-tuyen-bac-nam-622703