Thực hiện hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Ðẩy nhanh tiến độ và chất lượng - Hiện nay, nhìn chung, tiến độ cổ phần hóa (CPH) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra, khiến tỷ lệ vốn nhà nước ở các công ty CPH vẫn còn cao. Thêm vào đó, trong quá trình CPH, việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp (DN) còn nhiều vướng mắc, nhất là việc cơ cấu các khoản nợ, làm rõ các mối quan hệ trách nhiệm kinh tế và phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước khi lên sàn, hay việc định giá DN… Do đó, cần có những giải pháp thích hợp và thực thi bằng những bước đi cẩn trọng.

May áo xuất khẩu ở Công ty cổ phần - Tổng công ty may Bắc Giang (Bắc Giang). Ảnh: TRẦN HẢI

May áo xuất khẩu ở Công ty cổ phần - Tổng công ty may Bắc Giang (Bắc Giang). Ảnh: TRẦN HẢI

Tăng sức hút cho doanh nghiệp trước cổ phần hóa

Theo dõi tiến trình CPH những năm gần đây, không khó để nhận thấy rằng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến các thương vụ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), hoặc thoái vốn nhà nước ở những công ty đầu ngành của Việt Nam. Tại các cuộc xúc tiến đầu tư tài chính tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới phần vốn nhà nước còn lại ở DN, cũng như phương án chào bán cổ phần. Ðáng nói, khi biết "sức khỏe" của DN, nhiều nhà đầu tư đã ngần ngại không dám đầu tư vào một công ty đang "ôm cục nợ" lớn, tài sản nhiều nhưng khó chuyển hóa thành tiền và nhất là không có quyền quyết định trong điều hành DN sau đó.

Trường hợp của Tổng công ty Ðầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH Một thành viên (Becamex IDC) là một thí dụ điển hình. Vào tháng 12-2017, kết quả phiên IPO của Becamex IDC - một thương vụ được nhà đầu tư rất quan tâm đã không đạt kết quả như mong đợi, khi chỉ có hơn 6% trong số 311,2 triệu cổ phần (tương đương 23,6% vốn điều lệ dự kiến) đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 31 nghìn đồng/cổ phần bán được thành công cho 158 nhà đầu tư, trong đó có 149 cá nhân và chín tổ chức (nhà đầu tư nước ngoài chiếm 56%). Theo các chuyên gia, vấn đề nằm ở chỗ theo phương án CPH, Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 51% vốn tại DN. Ðồng thời, tính đến hết năm 2016, Becamex IDC có gần 50% vốn là hàng tồn kho, tài sản dở dang dài hạn được ghi nhận hơn 20 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả chiếm hơn 75% tổng nguồn vốn (gần 44.200 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức hơn 13 nghìn tỷ đồng, chiếm chưa đến 25% tổng nguồn vốn.

Mới đây, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cũng chỉ rõ ngoài lợi nhuận, các nhà đầu tư chiến lược cũng lưu tâm tới rủi ro khi hợp tác đầu tư tại DNNN, bao gồm nợ và các nghĩa vụ tài chính; quản trị DNNN yếu kém, bộ máy nhân sự thiếu động lực và không hỗ trợ trong quá trình hợp tác làm việc với nhà cổ đông chiến lược. Viện trưởng CIEM Nguyễn Ðình Cung phân tích, tình hình sử dụng vốn, tổng nợ, nguồn vốn vay ngân hàng và nguồn vốn chiếm dụng lẫn nhau rất cao cho thấy tình hình tài chính không lành mạnh của không ít DNNN. Tình trạng nhiều DNNN thua lỗ rất lớn đang trở thành nỗi bức xúc trong xã hội, đồng thời là một nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chiến lược không còn ngại ngần đầu tư vào các DNNN CPH.

Bên cạnh đó, trong quá trình CPH, việc xác định giá trị DN cũng cần sát thực hơn, tránh những "lỗ hổng" để trục lợi, nhất là lợi ích nhóm. Có một thực tế là quá trình CPH của DNNN hiện nay vẫn tỏ ra kém hấp dẫn, thể hiện ở việc quy định giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, hạn chế cung cấp thông tin, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện, và định giá thiếu thực tế, không phản ánh giá trị thật của DN,…

Vận hành dây chuyền sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Nâng cao chất lượng Cổ phần hóa

Ðể nâng cao hiệu quả và chất lượng của tiến trình CPH và thoái vốn Nhà nước, rất cần sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả nhà nước và DN. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ðức Kiên, các cơ quan, bộ, ngành và DNNN cần thường xuyên trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của các nhà đầu tư; học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài để tìm hiểu các nguyên nhân, tìm ra giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Chính phủ cần nghiên cứu để gỡ bỏ các rào cản pháp lý đối với các nhà đầu tư nước ngoài, loại bỏ lợi ích nhóm, từ đó nâng cao tính minh bạch cho quá trình CPH và thoái vốn của DNNN.

Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là xác định giá trị DN. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Ðức Phớc, hệ thống văn bản pháp lý liên quan công tác xử lý tài chính và xác định giá trị DN trước khi CPH vẫn còn nhiều bất cập, nhất là liên quan giá trị quyền sử dụng đất hay lợi thế vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá, các quy định về xác định giá trị thị trường của tài sản. Do đó, cần sử dụng công cụ KTNN để kiểm toán, xác định giá trị DN chính xác, rõ ràng và xử lý các vấn đề tài chính trước khi quyết định công bố giá trị DN, nhất là đối với các DN có quy mô vốn nhà nước lớn, hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù. Kiểm toán kết quả định giá DNNN có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ xác định giá trị thực tế vốn nhà nước, đồng thời giúp đánh giá thực trạng công tác định giá DN, các hạn chế bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH để kịp thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế chính sách.

Thực tế vụ việc xảy ra trong CPH Hãng phim truyện Việt Nam đã cho thấy, trong một thời gian dài, nhiều quy định, cơ chế xác định lợi thế đất đai và lợi thế khác vào giá trị DN CPH, nhất là các DN có diện tích "đất vàng" chưa được tính toán đầy đủ và rõ ràng. Chính vì thế, nhiều trường hợp DN dù kinh doanh thua lỗ, mất hết vốn nhà nước, nhưng đang quản lý, sử dụng quỹ đất "hot" vẫn là những đối tượng được nhiều DN khác quan tâm, chứ không phải là giá trị, thương hiệu của DN đó. Chính vì vậy, mới đây, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành quy định mới về xử lý tài chính của DN khi CPH. Theo đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình CPH, trọng tâm là khâu xác định giá trị DN. Quy định cụ thể việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đầy đủ vào giá trị DN CPH; xác định đầy đủ giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh của DN, thúc đẩy việc nâng cao trách nhiệm và chất lượng của tư vấn độc lập,…

Nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa DNNN chưa thật sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược là sự duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề và lĩnh vực. Chính vì thế, theo các chuyên gia, Nhà nước nên cân nhắc "nới lỏng" ở một số lĩnh vực, ngành nghề nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm giữ cổ phần chi phối, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề không ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Thêm vào đó, cần xử lý tài chính, định giá DN trên cơ sở pháp luật hiện hành, phù hợp thông lệ quốc tế; duy trì các cam kết của Chính phủ về CPH trong một thời hạn nhất định để đổi lấy cam kết của nhà đầu tư chiến lược cũng như về thời gian nắm giữ cổ phần và cam kết hỗ trợ kỹ thuật,… Hy vọng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những động thái hoàn thiện hành lang pháp lý, nhanh cóng tháo gỡ các khó khăn trong quá trình CPH từ các đơn vị liên quan sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ và chất lượng, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra về CPH DNNN.

-------------------------------------

() Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 10-5-2018.

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/36354002-thuc-hien-hieu-qua-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-tiep-theo-va-het.html