Thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm: Xóa bỏ tình trạng đăng ký kiểu 'giữ chỗ'

Kết quả khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, giai đoạn 2016-2018, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của người dân trong việc thực hiện các quyền sử dụng đất mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến các chỉ tiêu về kế hoạch sử dụng đất đạt thấp. Trong ảnh: Dự án KCN đô thị Châu Đức Sonadezi hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến các chỉ tiêu về kế hoạch sử dụng đất đạt thấp. Trong ảnh: Dự án KCN đô thị Châu Đức Sonadezi hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

NHIỀU CHỈ TIÊU ĐẠT TỶ LỆ THẤP

Từ năm 2016-2018, huyện Long Điền được UBND tỉnh giao 191 dự án đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm với diện tích 781,3ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, toàn huyện mới có 135 dự án đã thu hồi đất với diện tích 615,53ha, trong đó có 61 dự án hoàn thành (đạt tỷ lệ 45%). Các chỉ tiêu về nhóm đất nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng đạt tỷ lệ rất thấp (tính đến cuối năm 2018 chỉ đạt 11,88% so với kế hoạch tỉnh giao). Ông Trần Kim Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, việc lập và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, một số dự án chậm triển khai so với kế hoạch dẫn đến kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2018 chưa cao.

Tương tự như vậy, tại huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức và TX. Phú Mỹ, nhiều chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất do UBND tỉnh giao từ đầu giai đoạn 2016-2018 đến nay các huyện, thị xã thực hiện cũng đạt tỷ lệ rất thấp. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất 3 năm (2016-2018) trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn như do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… Do đó, số dự án chưa triển khai thực hiện còn chiếm tỷ lệ cao. Đáng chú ý là năm 2017, huyện có 14 dự án chưa triển khai thực hiện với diện tích 261,36ha, chiếm 41,18%. Ngoài ra, các chỉ tiêu sử dụng đất (đất xây dựng cơ sở ngoại giao, đất cơ sở tôn giáo, đất ở nông thôn, đất dành cho khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng) trong 3 năm qua trên địa bàn huyện cũng đạt thấp.

Do việc lập và thực hiện kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tế nên thời gian qua nhiều địa phương xảy ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Trong ảnh: Một khu đất tại phường Tân Phước (TX. Phú Mỹ) đang san ủi đất để phân lô bán nền.

Đặc biệt, có nhiều nhóm chỉ tiêu như đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng… ở nhiều địa phương đạt tỷ lệ quá thấp từ 0-1%. Cụ thể, tại TX. Phú Mỹ, năm 2016, UBND tỉnh giao phải đưa vào khai thác 15,48ha đất chưa sử dụng để phục vụ các công trình, dự án nhưng cuối năm 2016 địa phương này mới khai thác đưa vào sử dụng 0,1ha, đạt tỷ lệ 0,65%. Nhóm đất chưa sử dụng này tại các huyện Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc nhiều năm vẫn giữ nguyên hiện trạng (0% so với kế hoạch được giao).

Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2018 của các địa phương đều đạt thấp, nhiều chỉ tiêu đạt dưới 50% so với kế hoạch UBND tỉnh giao. Như vậy, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất không đạt yêu cầu đề ra. Điều đáng quan tâm là thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, ảnh hưởng tới tính hiệu quả của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

CHƯA SÁT VỚI THỰC TẾ

Theo phân tích của Sở TN-MT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các chỉ tiêu về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2018 đạt thấp là do việc lập kế hoạch sử dụng đất và đề nghị chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích để thực hiện các dự án, công trình của các địa phương chưa sát với thực tế. Bên cạnh đó, một số địa phương (như huyện Long Điền, huyện Xuyên Mộc, TX. Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu) chưa bố trí được nguồn vốn, không xác định được năng lực của nhà đầu tư nhưng vẫn đăng ký nhu cầu sử dụng đất cao. Do đó, sau khi rà soát lại tính khả thi của các dự án trong giai đoạn 2016-2018, năm 2019, HĐND tỉnh đã công bố thu hồi đất của 39 dự án, với diện tích là 1.366,74ha. Trong đó có nhiều dự án có diện tích đất lớn, đơn cử như TX. Phú Mỹ có 3 dự án với diện tích 842,60ha, bao gồm: Khu đất thực hiện dự án Kho bãi và dịch vụ cảng tại đường 965, phường Tân Phước; Kho bãi tại phường Mỹ Xuân; Trung tâm logistic Cái Mép Hạ.

Ông Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh nhận xét, trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2018, các sở, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng đề xuất danh mục công trình, dự án sử dụng đất theo kiểu “giữ chỗ”. Phần lớn các dự án đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, chưa được thẩm định, rà soát chặt chẽ về hiện trạng, diện tích đất, năng lực nhà đầu tư, tính khả thi, hiệu quả của từng dự án; nhiều dự án chưa bảo đảm đầy đủ các thủ tục theo quy định. Do đó, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm trên địa bàn tỉnh chưa cao.

Ngoài ra, nhiều dự án phát triển nhà ở, nhất là dự án phân lô bán nền tại các địa phương được công nhận, chấp thuận đầu tư nhưng chưa được kiểm soát, đánh giá chặt chẽ về tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động đến sinh kế của người dân trong vùng dự án. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đang gặp nhiều khó khăn, nhưng một số địa phương chưa quan tâm đến việc bố trí quỹ đất này trong từng dự án cụ thể. Công tác lập và quản lý quy hoạch khu đô thị, dân cư một số khu vực chưa bảo đảm khoa học, thiếu đồng bộ, chưa khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa các khu. Diện tích bố trí cho các công trình công cộng (thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, trường học, công viên…), thương mại dịch vụ chưa được tính toán đầy đủ các tiêu chí phát triển bền vững trong tương lai, phần lớn sử dụng, tận dụng những công trình hiện có.

Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT, để việc triển khai kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn tới hiệu quả hơn, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, UBND cấp huyện cần phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm khi dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và phù hợp với dự kiến bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công hàng năm.

Từ thực tế sử dụng đất giai đoạn 2016-2018, các địa phương cần phải rà soát lại các nhóm đất để lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới sát với thực tế hơn. Đồng thời quan tâm các trường hợp phân lô, tách thửa tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Đồng thời, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các địa phương cần phải thông qua HĐND cùng cấp và nên ban hành quy chế phối hợp để chủ động và mang tính tháo gỡ trong thực hiện các thủ tục về đất đai, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201910/thuc-hien-ke-hoach-su-dung-dat-hang-nam-xoa-bo-tinh-trang-dang-ky-kieu-giu-cho-878709/