Thực hiện lời Bác, giải phóng Sầm Nưa

Sau thắng lợi Chiến dịch Tây Bắc, Đại đoàn 308 chúng tôi về đóng quân ở Thanh Ba (Phú Thọ), tổ chức học tập, huấn luyện, chuẩn bị sẵn sàng cho những nhiệm vụ tiếp theo.

Trong lúc đó, cán bộ về Đại đoàn bộ tổ chức hội nghị tổng kết kinh nghiệm Chiến dịch Tây Bắc. Ngày 9 tháng Giêng năm 1953, Bác Hồ đến thăm và chỉ đạo hội nghị. Bác đến vào lúc nửa đêm, ô tô để ngoài Đường số 2, Bác đi bộ vào Đại đoàn bộ. Sáng sớm hôm sau, Bác vẫn dậy sớm tập thể dục. Sau bữa cơm sáng, Bác làm việc với Bộ chỉ huy Đại đoàn. Bác rất vui vì thấy toàn đơn vị qua chiến đấu về vẫn khỏe mạnh, luyện tập tốt, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.

Liên quân Việt-Lào tiến vào giải phóng Sầm Nưa (Lào), tháng 4-1953. Ảnh tư liệu

Liên quân Việt-Lào tiến vào giải phóng Sầm Nưa (Lào), tháng 4-1953. Ảnh tư liệu

Buổi tối, nói chuyện với cán bộ đơn vị và khối cơ quan Đại đoàn, Bác chỉ rõ: “Kỳ vừa qua, chúng ta đã thu được thắng lợi lớn. Đơn vị đã làm tròn nhiệm vụ, vì có nhiều ưu điểm. Ưu điểm lớn nhất là quyết tâm, nhưng quyết tâm chưa đầy đủ”. Rồi Bác nêu một số khuyết điểm cụ thể: Khi thấy thắng lợi, còn chủ quan, khinh địch; thiếu sót trong công tác thương binh, liệt sĩ; chấp hành chính sách chiến lợi phẩm còn thiếu ý thức bảo vệ của công. Bộ đội ta còn nghèo nên khi khẩu súng giặc về trong tay ta, ta phải giữ gìn. Bác căn dặn: Phải đề cao trách nhiệm với bất cứ việc gì của Đảng, Chính phủ giao phó; phải cố gắng đề cao tự phê bình, phê bình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4-1953, đơn vị chúng tôi chuẩn bị lên đường đi chiến dịch. Ngày 3-4-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch. Trong thư, Người căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn, tức là mình tự giúp mình”.

Tham gia chiến dịch, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ làm mũi nhọn chọc thẳng vào khu vực rộng lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, sau đó phối hợp với đơn vị bạn từ Điện Biên đánh xuống và từ Nghệ An đánh lên, quét sạch một mảng phòng tuyến lớn của địch, giải phóng nhân dân vùng Thượng Lào. Đại đoàn hành quân theo 3 đường tiến thẳng đến Sầm Nưa. Trung đoàn 88 chúng tôi tiến theo đường Mộc Châu-Sốp Hào-Công Khum-Noọng Khang. Vượt qua gần 300km, trưa 13-4, đơn vị đi đầu của Trung đoàn đến cách Sầm Nưa chừng 30km, được giao nhiệm vụ tiến công hai vị trí Khai đon 1 và Khai đon 2.

Phát hiện các đại đoàn chủ lực của ta tiến sang Thượng Lào, trưa 12-4, tướng Salan, Tổng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương vội ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa. Đêm 12-4, địch bắt đầu tổ chức rút quân. Trước tình huống địch bất ngờ rút chạy, Bộ chỉ huy chiến dịch nhanh chóng thay đổi kế hoạch từ đánh địch trong công sự vững chắc sang đánh địch rút chạy. Bộ đội được quán triệt mệnh lệnh của cấp trên, 250km cũng đuổi, 300km cũng đuổi, có lương thực cũng đuổi, không có lương thực cũng đuổi. Địch đã mất tinh thần, không thể chạy nhanh, thời cơ tiêu diệt địch đã đến, có thể diệt nhiều địch mà tốn ít xương máu.

Trưa 13-4, các đơn vị trên hướng chủ yếu tổ chức lực lượng gọn nhẹ, nhận lệnh cấp tốc hành quân truy kích. Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà giao nhiệm vụ cho tôi: Dẫn đội trinh sát, bảo vệ gồm 5 người đi trước trinh sát, tìm đường vào Sầm Nưa nhanh nhất. Tuy mới trải qua cuộc hành quân vô cùng gian khổ, chưa kịp nghỉ ngơi lấy lại sức, nhưng với quyết tâm cao, toàn Trung đoàn tràn ra đường cái chạy vũ trang, tranh thủ thời gian bám đánh địch. Khi đơn vị đến Sầm Nưa, hai tiểu đoàn 29 và 322 được lệnh ở lại làm nhiệm vụ tiếp quản thị xã và các căn cứ tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa. Riêng Tiểu đoàn 23 tiếp tục truy đuổi địch dọc đường từ Sầm Nưa đến Cánh Đồng Chum.

Đại tá NGUYỄN QUỐC THỊNH (Nguyên sĩ quan Tác huấn Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953).

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/thuc-hien-loi-bac-giai-phong-sam-nua-725178