Người sắc tộc Armenia ồ ạt rời Nagorno - Karabakh

Cư dân Nagorno - Karabakh đổ xô đến trại gìn giữ hòa bình Nga để tránh giao tranh. Ảnh: AP

Tính đến 10 giờ tối 24-9, 1.050 người từ khu vực Nagorno - Karabakh đã vượt biên sang Armenia. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình nước này đã sơ tán tổng cộng 311 thường dân đến Armenia. Lực lượng dân quân địa phương người Armenia tiếp tục giao nộp vũ khí dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Tổng cộng có 130.000 quả đạn, 1.200 vũ khí nhỏ, vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không di động đã được bàn giao.

Reuters ước tính, có tới 120.000 người Armenia có thể phải rời bỏ nhà cửa, bởi họ sợ bị Azerbaijan đàn áp và thanh lọc sắc tộc. “Người dân của chúng tôi không muốn sống như một phần của Azerbaijan. 99,9% muốn rời khỏi vùng đất lịch sử này” - David Babayan, cố vấn của ông Samvel Shahramanyan, lãnh đạo ly khai tại Nagorno - Karabakh, nói với Reuters.

Theo Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Armenia sẵn sàng tiếp nhận tất cả những người tản cư từ khu vực tranh chấp. “Khả năng số người sắc tộc Armenia rời đi khỏi Nagorno - Karabakh sẽ tăng lên và Armenia sẵn sàng tiếp nhận tất cả đồng bào từ khu vực này” - ông Pashinyan tuyên bố. Nhà lãnh đạo Armenia nhấn mạnh rằng nếu điều kiện sống thực sự không được tạo ra cho người Armenia ở Nagorno - Karabakh yên tâm ngay trong nhà của họ và nếu các cơ chế bảo vệ chống lại việc thanh lọc sắc tộc không hiệu quả, thì khả năng người Armenia ở Nagorno - Karabakh sẽ coi việc rời khỏi quê hương là lối thoát duy nhất và khả năng này sẽ ngày càng tăng. “Trách nhiệm về diễn biến các vụ việc như vậy sẽ hoàn toàn thuộc về Azerbaijan, quốc gia áp dụng chính sách thanh lọc sắc tộc” - ông Pashinyan nói thêm.

Nagorno - Karabakh tách khỏi Azerbaijan trong những ngày cuối của chính quyền Liên Xô cũ, với dân số chủ yếu là người sắc tộc Armenia. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai tới khu vực sau một vụ xung đột bùng phát vào năm 2020.

Tuy nhiên, Thủ tướng Pashinyan đổ lỗi cho Nga vì đã không thể đảm bảo an ninh cho Armenia, đồng thời xem các thỏa thuận an ninh giữa Armenia với Nga là “không hiệu quả”, qua đó báo hiệu sự “quay lưng” với Mát-xcơ-va sau khi nước này từ chối can thiệp vào vùng Nagorno - Karabakh. “Một số đối tác của chúng tôi ngày càng để lộ các lỗ hổng bảo mật an ninh của chúng tôi, gây rủi ro không chỉ cho an ninh và ổn định bên ngoài mà còn cả bên trong nước, đồng thời vi phạm mọi chuẩn mục về nghi thức và sự đúng mực trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, gồm các nghĩa vụ được đảm bảo theo hiệp ước” - ông Pashinyan nói.

Không những vậy, ông Pashinyan còn chỉ trích Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), nơi Armenia là thành viên. Liên minh quân sự này gồm các quốc gia thời hậu Xô Viết do Nga dẫn đầu, cam kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Song, lực lượng vũ trang Nga hiện đang dốc toàn lực vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Ông Pashinyan cho biết Armenia phải hướng các thỏa thuận an ninh của nước này đến sự hợp tác với các đối tác “đôi bên cùng có lợi”. “Tất cả chúng ta đều thấy rõ rằng sự hợp tác với CSTO cũng như sự hợp tác chính trị - quân sự giữa Armenia và Nga là không đủ để bảo vệ an ninh bên ngoài của Armenia” - ông Pashinyan nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Pashinyan cho rằng Armenia nên gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi đang phát lệnh truy nã Tổng thống Nga Vladimir Putin vì những vấn đề trong cuộc chiến Ukraine.

Về phần mình, giới chức Nga cho rằng ông Pashinyan phải chịu trách nhiệm về việc xử lý sai lầm của mình trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Ông Pashinyan cũng đang chịu sức ép từ chức vì không thể bảo vệ Nagorno - Karabakh.

Quân đội Azerbaijan đã phát động “chiến dịch chống khủng bố” tại Nagorno - Karabakh hôm 19-9 sau khi 4 cảnh sát và 2 dân thường nước này thiệt mạng trong các vụ nổ mìn ở đây. Armenia cho biết chiến dịch kéo dài 24 giờ trên đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 400 người khác bị thương. Với ưu thế quân sự vượt trội, quân đội Azerbaijan đã kiểm soát hoàn toàn Nagorno - Karabakh và các tay súng ly khai đã giao nộp vũ khí đầu hàng. Nga đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan vào năm 2020 trong cuộc xung đột kéo dài 6 tuần và 2.000 binh sĩ Nga được triển khai để giám sát thỏa thuận. Tuy nhiên, Armenia cho rằng Nga đã không làm đủ để bảo vệ họ và mối quan hệ của hai bên bắt đầu căng thẳng. Mới đây, Armenia tiến hành tập trận với Mỹ bất chấp sự phản đối của Nga.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nguoi-sac-toc-armenia-o-at-roi-nagorno-karabakh-a150483.html