Thực hiện Nghị quyết 'Tam nông': Tạo diện mạo mới cho nông thôn Đầm Hà

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TW), đến nay đã giúp bộ mặt nông thôn của huyện Đầm Hà có nhiều đổi mới. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện... Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Ngay khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành, huyện Đầm Hà đã tích cực triển khai tổ chức thực hiện. Huyện đã tập trung cao cho phát triển sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong mỗi lĩnh vực phù hợp với điều kiện tự nhiên từng địa phương. Tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện vai trò “đầu kéo”… Sức lan tỏa của Nghị quyết đã thực sự tạo phong trào thi đua sôi nổi từ các ban, ngành, đoàn thể đến xã, thôn.

Hạ tầng giao thông đến các thôn bản được đầu tư, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Ảnh: Đường vào thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An.

Trong 10 năm trở lại đây, tổng nguồn lực Đầm Hà huy động đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn gần 3.300 tỷ đồng, trong đó huy động xã hội hóa gần 500 tỷ đồng. Thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh và sâu, người nông dân đã liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nông, lâm, thủy sản. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, đến nay cơ bản nông dân sử dụng máy để cày, bừa; 70% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn; trong khâu gieo trồng bước đầu đã ứng dụng xạ hàng bằng công cụ kéo tay, máy cấy… Qua đó đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trồng trọt.

70% diện tích lúa trên địa bàn thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn. Ảnh: Thu hoạch lúa ở xã Đại Bình.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu của ngành. Trồng trọt chuyển đổi từ đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản, trồng cây ăn quả chất lượng cao, trồng ngô sinh khối… Chăn nuôi phát triển ổn định, chuyển dịch theo hướng tập trung. Toàn huyện hiện có 111 trang trại, gia trại, trong đó có 54 trang trại, gia trại chăn nuôi với trên 3.800 con trâu, gần 3.000 con bò, 37.000 con lợn, trên 280.600 con gia cầm. Ngành lâm nghiệp chuyển dịch sang kinh doanh rừng cây gỗ lớn, cây dược liệu, sản xuất hàng hóa tập trung (cây quế). Ngành thủy sản tập trung triển khai hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp điện, cấp nước…) cho các vùng nuôi trồng tập trung và thực hiện cơ chế hỗ trợ giá, giống cho nuôi trồng. Đồng thời đã hình thành cơ sở sản xuất giống, vùng nuôi trồng tập trung, từng bước chủ động về giống thủy sản cho nhân dân, góp phần tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản.

Khu nuôi tôm thuộc dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại xã Đại Bình.

Hiện toàn huyện có 10 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: Dự án nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Thanh Lâm; Dự án Trung tâm sản xuất công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống thủy sản của Tập đoàn BIM; Dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc; Dự án vùng nuôi trồng thủy sản trên biển của Công ty Thiên Hoàng Minh; Dự án nhà máy chế biến nông dược và thực phẩm của Công ty CP Đông Tây; Dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình Dương; Dự án sản xuất rau công nghệ cao tại xã Quảng Tân của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà... Huyện đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có tâm huyết, tiềm lực đầu tư vào các vùng quy hoạch tập trung về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, chế biến nông sản và dược liệu trên địa bàn.

Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn bằng việc huy động nguồn lực toàn xã hội và đầu tư từ ngân sách nhà nước. Toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa được 79,4/81,4km đường từ trung tâm đến các xã; 87,4/127,76km đường trục thôn xóm; 26,7/52,7km đường trục chính nội đồng. 9/9 xã đạt chỉ tiêu chung về diện tích tưới tiêu chung chủ động. Hồ chứa nước Đầm Hà Động có dung tích chứa trên 14 triệu m3; kiên cố hóa được 24/35 đập nhỏ, chủ yếu là ở các xã vùng cao Quảng Lâm, Quảng An, Quảng Lợi; kiên cố hóa được 139/219km kênh mương các loại. Toàn huyện đã đầu tư xây dựng được 10 công trình cấp nước tập trung và 7.162 giếng nước, đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 97% số dân nông thôn.

Hồ chứa nước Đầm Hà Động với dung tích chứa trên 14 triệu m3.

Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện giảm dưới 2%, hàng năm giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Đến nay, đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 14/19 thôn và 2 xã thoát khỏi diện 135. Phấn đấu đến năm 2020 có 9/9 xã đạt chuẩn, Đầm Hà đạt huyện nông thôn mới. Được biết, hiện nay huyện Đầm Hà đang tập trung xây dựng thành vùng trọng điểm về sản xuất và chế biến nông sản, thực hiện tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống của nông dân, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thái Cảnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201811/thuc-hien-nghi-quyet-tam-nong-tao-dien-mao-moi-cho-nong-thon-dam-ha-2410406/