Thực hiện pháp luật về công chứng - nhìn từ cơ sở

Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật về thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng vừa có các cuộc làm việc tại TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Tuyên Quang, để nắm tình hình thực tế ở địa phương về công tác này.

Thực tế ở cơ sở đang đặt ra yêu cầu phải có biện pháp để tháo gỡ tình trạng thiếu công chứng viên ở nhiều địa phương, bởi lực lượng này hiện chủ yếu “co cụm" tại một số thành phố lớn.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp với UBND tỉnh Tuyên Quang

Xã hội hóa hoạt động công chứng khó vì thiếu công chứng viên

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện kịp thời và có hiệu quả Luật Công chứng, các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, đã ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn; đăng ký thành lập văn phòng công chứng thực hiện đúng quy định, bảo đảm sự phát triển.

Khẳng định kết quả này, song theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương, do tỉnh miền núi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhu cầu công chứng của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn còn ít, nên đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên. Việc thành lập mới đơn vị hành nghề công chứng trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh ở các huyện còn khó khăn do hạn chế về nguồn công chứng viên, làm gia tăng biên chế viên chức, nguồn thu, kinh phí chi thường xuyên còn khó khăn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn hiện có 6 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 1 phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp. Tuyên Quang có 4 đơn vị hành chính cấp huyện chưa có văn phòng công chứng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn báo cáo với Đoàn khảo sát

Tại Bắc Giang, hiện trên địa bàn đã có 20 văn phòng công chứng, tiến hành giải thể 2 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp, cũng đang gặp khó khăn khi các tổ chức hành nghề công chứng chưa được phân bổ đồng đều. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đa số tổ chức hành nghề công chứng tập trung tại thành phố, nơi có nhu cầu cao về dịch vụ công chứng. Trên địa bàn tỉnh có 2 huyện với điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có văn phòng công chứng.

Từ thực tế hoạt động công chứng tại hai tỉnh Tuyên Quang và Bắc Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhận thấy, dù Luật Công chứng quy định không tổ chức phòng công chứng ở những địa bàn thuận lợi, và vẫn cho phép thành lập phòng công chứng ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không thực hiện xã hội hóa được, kể cả chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thì sẽ vẫn gặp một số khó khăn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu

Về nguyên tắc, công chứng là dịch vụ công cơ bản, đòi hỏi Nhà nước phải bảo đảm để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu đều được đáp ứng kịp thời. Với cách đặt vấn đề như vậy, các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị, UBND các tỉnh, thành báo cáo việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong tổ chức dịch vụ công trên địa bàn các huyện chưa thành lập văn phòng công chứng, nhất là trong bối cảnh việc lập phòng công chứng sẽ khó khả thi, vì gây tăng đầu mối, biên chế viên chức ở địa phương.

Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề, song theo đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của Tuyên Quang và Bắc Giang, thì "rất khó" thực hiện. Nguyên nhân một phần là bởi, nguồn công chứng viên ở địa phương đang thiếu. Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Lê Anh Tuấn cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết số 67/2021/QĐ-UBND quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đưa ra quy định mức chấm điểm xét duyệt các tiêu chí thành lập văn phòng công chứng ưu tiên hơn với một số huyện chưa có tổ chức này. Nhưng thực tế vẫn khó thành lập văn phòng công chứng ở hai huyện Yên Thế và Sơn Động, vì nguồn công chứng viên trên địa bàn toàn tỉnh đang thiếu, khó đáp ứng các tiêu chí quy định tại Luật Công chứng hiện hành (văn phòng công chứng phải hoạt động theo mô hình công ty hợp danh, có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu

Giải bài toán chứng thực và công chứng

Từ phản ánh của địa phương có thể thấy, bên cạnh yếu tố điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhu cầu công chứng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ít đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng, thì một nguyên nhân khác là từ quy định pháp luật.

Đơn cử, quy định pháp luật hiện hành về công chứng, chứng thực đối với hợp đồng giao dịch dân sự cho phép cá nhân, tổ chức được lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng, hoặc chứng thực tại Phòng Tư pháp hoặc UBND cấp xã. Trong khi đó, mức thu phí công chứng được tính theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng giao dịch, còn mức phí với chứng thực hợp đồng, giao dịch là 50 nghìn đồng/hợp đồng, giao dịch. Điều này tạo nên sự phân biệt với người dân khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch.

“Nếu có quy định tháo gỡ khó khăn đối với việc thành lập phòng công chứng ở địa bàn không phát triển được văn phòng công chứng sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, tổ chức. Nhưng nếu giải quyết được bài toán giữa chứng thực và công chứng, giao các hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng, sẽ thúc đẩy xã hội hóa, giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý Nhà nước”, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược đề xuất.

Đại diện nhiều phòng công chứng, văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Tuyên Quang cũng phản ánh, do mức phí thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch thấp nên người dân, đa phần sẽ lựa chọn hình thức chứng thực, dù giá trị pháp lý của văn bản này không cao. Đại diện Văn phòng Công chứng Dương Thị Dực (Tuyên Quang) đề nghị, cần sửa đổi một số Thông tư liên quan để nâng mức phí chứng thực hợp đồng, giao dịch; đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự khác nhau giữa công chứng và chứng thực, nhất là hệ quả pháp lý của hai hình thức này.

Luật Công chứng hiện hành cũng quy định ưu đãi với việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng ở các địa bàn chưa có điều kiện phát triển văn phòng công chứng. Nhưng, theo phản ánh của đại diện Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, thì các điều kiện ưu đãi cụ thể với việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng ở những địa bàn này chưa được quy định cụ thể ở văn bản hướng dẫn thi hành. Chính sách này vì thế chưa được triển khai trên thực tế, thậm chí với một số địa phương đã nỗ lực vận dụng quy định pháp luật hiện hành để đưa ra chính sách ưu đãi cũng chưa cho thấy tác động rõ rệt. Thực tế, Bắc Giang đã đưa ra tiêu chí ưu tiên trong chấm điểm thành lập văn phòng công chứng ở địa bàn chưa thành lập được, thì một số huyện vẫn chưa thu hút được các cá nhân, tổ chức đến thành lập văn phòng công chứng.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/thuc-hien-phap-luat-ve-cong-chung---nhin-tu-co-so-i329108/