Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phải được cụ thể hóa, có giải pháp rõ ràng, thiết thực

Đó là khẳng định của bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về quy chế dân chủ cơ sở, ngày 3/3.

Theo báo cáo, qua 5 năm triển khai thực hiện các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân trong tỉnh Sóc Trăng đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn.

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ đã tác động tích cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm chuyển biến về phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, phương thức điều hành và lề lối làm việc của chính quyền các cấp theo hướng sát dân và tôn trọng dân; quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

 Bà Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh Sóc Trăng.

Bà Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh Sóc Trăng.

Từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo chính quyền tiếp đã tiếp gần 10.000 lượt công dân, hơn 7.600 vụ khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ giải quyết đạt 99.84%. Hằng năm, 100% công đoàn cơ sở doanh nghiệp có quy chế phối hợp hoạt động với người sử dụng lao động và có trên 95% doanh nghiệp đủ điều kiện tổ chức hội nghị người lao động; có 970 cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất ở 517 lượt doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số doanh nghiệp còn hạn chế, công nhân lao động sợ mất việc làm, thu nhập thấp nên chưa có ý kiến góp ý thẳng thắn. Thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, chưa thành lập công đoàn cơ sở còn sơ sài, chưa trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định; thỏa ước lao động tập thể chưa đúng, chưa đầy đủ; chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động; còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở một số cơ quan, tổ hòa giải chưa cao. Vẫn còn các tranh chấp về đất đai, mâu thuẫn có liên quan đến dân tộc, tôn giáo, hôn nhân và gia đình…

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai biểu dương những nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, có phương pháp, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, góp phần vào việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Trưởng ban Dân vận Trung ương lưu ý, việc thực hiện quy chế dân chủ phải đảm bảo thực chất, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân. Thực hiện công tác quy chế dân chủ ở cơ sở cần phải được cụ thể hóa, có giải pháp rõ ràng, thiết thực, bám sát những vấn đề, định hướng lớn mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV đã đề ra, trước mắt là lãnh đạo thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội và Đại biểu HĐND sắp tới.

“Sóc Trăng cần tích cực phát huy những bài học kinh nghiệm phù hợp với đặc điểm của địa phương, khắc phục những hạn chế trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện cần đảm bảo nội dung thực chất, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” – bà Mai nhấn mạnh.

Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - khẳng định, kết quả kiểm tra, làm việc của Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương giúp địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là cụ thể hóa, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.

Đình Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-phai-duoc-cu-the-hoa-co-giai-phap-ro-rang-thiet-thuc-575665.html