Thực hiện quyền cử tri sao cho đúng luật

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân và quyền này được Hiến pháp, pháp luật công nhận, tôn trọng. Quyền bầu cử bao gồm: quyền giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và HĐND các cấp.

Cử tri xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) tham gia buổi tuyên truyền Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 do địa phương kết hợp với Phòng Tư pháp H.Nhơn Trạch tổ chức. Ảnh: Đoàn Phú

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết, tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử thì có quyền bầu cử. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu và nắm rõ quy định này. Chính vì vậy, việc tuyên truyền về bầu cử nói chung và quyền bầu cử của công dân nói riêng cần được các ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức đoàn thể chú trọng.

* Quyền bầu cử của một số trường hợp đặc biệt

Hiện nay, một số trường hợp vẫn thắc mắc không biết mình có đủ điều kiện để thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23-5 hay không. Cụ thể như, ông V.V.U. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bày tỏ, ông vừa bị tòa án kết án phạt tù 1 năm nhưng được tòa cho hưởng án treo nên ông không biết mình có được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử sắp tới hay không ?

Tương tự, bà N.T.N. (ngụ xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) thắc mắc, con dâu của bà bị tòa án kết án 9 tháng tù giam về tội đánh bạc. Nếu con dâu của bà được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì có được ghi tên vào danh sách cử tri không. Trong khi đó, ông Phạm Văn Hai (ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) đặt vấn đề, người vừa bị câm, vừa bị điếc có được ghi tên vào danh sách cử tri không?

Về những nội dung trên, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào giải đáp, Điều 30, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định, người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì UBND cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

“Như vậy, khi công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri theo Điều 30 thì dù câm, điếc vẫn có quyền bầu cử. Đồng thời, người bị tòa án kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi hình phạt bị tước quyền bầu cử) thì vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi cư trú để tham gia bầu cử. Còn trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì không được tính là đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù nên vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử” - Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào giải thích.

* Quyền bầu cử của cử tri sẽ khác nhau

Cũng thắc mắc liên quan đến quyền bầu cử, ông Nguyễn Văn Phát (ngụ xã Phú Cường, H.Định Quán) lại quan tâm đến quyền bỏ phiếu của cử tri tạm trú, thường trú khác và giống nhau ra sao?

Vấn đề ông Phát hỏi, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào trả lời như sau, tùy thuộc vào nơi cư trú hoặc quan hệ gắn bó với địa phương nơi đăng ký tham gia bầu cử mà Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định từng nhóm đối tượng cử tri có phạm vi tham gia bầu cử không hoàn toàn giống nhau.

Theo đó, cử tri là người đăng ký thường trú tại khu vực bỏ phiếu và cử tri là người đăng ký tạm trú có thời gian đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đơn vị bỏ phiếu từ đủ 12 tháng trở lên thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH, HĐND ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú nếu có nguyện vọng bỏ phiếu tại nơi tạm trú.

Cũng theo Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào, cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cử tri ở nơi khác (vãng lai) không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì làm thủ tục bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào lưu ý, đối với trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú hoặc bầu ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202104/thuc-hien-quyen-cu-tri-sao-cho-dung-luat-3053156/