Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg: Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước

Chỉ đạo Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1163 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh khẳng định: 'Thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, lựa chọn phương pháp phù hợp để hoạt động tuyên truyền đi trước một bước và đạt được mục tiêu đặt ra'.

Không phát sinh “điểm nóng”

Ngày 24/12/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” (gọi tắt là Đề án).

Đại diện Ban Dân tộc các địa phương thuộc 3 miền Bắc - Trung - Nam đã tham dự và đóng góp ý kiến với hội nghị

Đại diện Ban Dân tộc các địa phương thuộc 3 miền Bắc - Trung - Nam đã tham dự và đóng góp ý kiến với hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, ông Vũ Hữu Hoạt – Vụ trưởng Vụ tuyên truyền UBDT cho biết: Từ năm 2017-2019, UBDT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chính sách dân tộc, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Cụ thể: Đã tổ chức 5 hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương. Tổ chức 14 hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh. Tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh. Tổ chức xây dựng 3 mô hình điểm tại các xã, thôn, bản về đẩy mạnh tuyên truyền, pháp luật và chính sách dân tộc (mỗi mô hình có 50 - 70 thành viên tham gia). Biên soạn và cấp 3 sổ tay, 4 tờ gấp, cung cấp 3.500 đầu sách cho các tuyên truyền viên, báo cáo viên; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ DTTS…

Đến từ tỉnh Lào Cai, ông Nông Đức Ngọc – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai chia sẻ: Là địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, lại giáp biên giới Trung Quốc nên việc phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào được Lào Cai rất chú trọng. 3 năm qua, nhờ việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, buôn bán phụ nữ, quản lý lao động qua biên giới… được đẩy mạnh, các trường hợp tảo hôn ở Lào Cai đã giảm từ 896 trường hợp (năm 2017) xuống còn 263 trường hợp (năm 2019); lao động tự ý sang Trung Quốc làm việc giảm từ 20.000 lượt người, xuống còn 11.000 lượt người…

Bàn về hiệu quả của việc thực hiện Quyết định số 1163, đại diện 27 Ban Dân tộc đến từ 3 miền Bắc – Trung – Nam đều thống nhất cho rằng: Nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, vùng DTTS và miền núi đã có nhiều khởi sắc, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc được quan tâm. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, vùng DTTS và miền núi không phát sinh thêm “điểm nóng”, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác tuyên truyền giữ vai trò đặc biệt quan trọng

Ghi nhận những cố gắng của UBDT và các địa phương trong việc đưa Quyết định số 1163 đi vào đời sống, đến với các thôn, bản ở các vùng, miền trên cả nước… Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh thông tin: Tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, Quốc hội đã đồng ý về mặt chủ trương cho xây dựng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với đất nước, với hơn 14 triệu đồng bào cả nước. Trong số 10 dự án của chương trình, dự án số 10 có nội dung: “Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức chương trình”. Điều này khẳng định, công tác tuyên truyền luôn giữ vai trò đặc biệt.

“Để hoạt động tuyên truyền đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Ban Dân tộc, chính quyền và các tổ chức xã hội đoàn thể ở các địa phương phải tiếp tục nâng cao chất lượng, lựa chọn phương pháp phù hợp để hoạt động tuyên truyền đi trước một bước và đạt được mục tiêu đặt ra. Cụ thể như: Lựa chọn các nội dung tuyên truyền trọng tâm, phù hợp, cụ thể hóa các nội dung phổ biến pháp luật vào các hương ước, quy ước của địa phương. Củng cố, tập hợp các tổ chức, cá nhân làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền pháp luật, loại bỏ dần ra khỏi địa bàn những gì không phù hợp với tập quán, phong tục của đồng bào. Đặc biệt, cần nghiên cứu, rà soát để đưa nhiệm vụ, thể chế của Quyết định số 1163 thành một dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm khắc phục được những hạn chế đang tồn tại như: Nguồn vốn, đầu mối chỉ đạo, quản lý…” - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh khẳng định.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hien-quyet-dinh-so-1163qd-ttg-cong-tac-tuyen-truyen-phai-di-truoc-mot-buoc-130819.html