Thực hư bọ xén tóc hại cây điều nghiêm trọng đến nỗi... hốt hoảng

Hầu hết các ý kiến ngành chức năng địa phương đều đồng tình cho rằng, sâu đục thân, cành (bọ xén tóc) không gây hại nghiêm trọng trên hàng chục ngàn ha điều ở tỉnh Bình Phước như tin đồn.

Ngày 23.10, tại TP.HCM, Cục BVTV triệu tập hội nghị tìm giải pháp quản lý sâu đục thân, cành hại điều để xác minh lại loại sâu bệnh hại này là chủ yếu hay thứ yếu, có nguy cơ bùng phát thành dịch hay không cũng như tìm biện pháp quản lý sắp tới.

Sâu đục thân, cành là loài xén tóc - một đối tượng gây hại có tính thường xuyên. Ảnh Internet

Trước đó, cuối tháng 9.2018, một số kênh thông tin cho biết nhiều vườn điều ở tỉnh Bình Phước bị sâu đục thân, cành tấn công gây hại trên diện tích hơn 20.000 ha, dẫn đến chết cây, suy giảm năng suất nghiêm trọng.

Theo ông Đỗ Văn Vấn - Trung tâm BVTV phía Nam, ngay sau khi nhận được thông tin, Cục BVTV đã lập đoàn công tác, phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước đi kiểm tra xác minh.

“Diện tích bị thiệt hại như thế là một con số rất lớn, gây tâm lý hoang mang ít nhiều trong nhân dân. Sau khi xác minh, Sở NNPTNT tỉnh cho biết không hề cung cấp con số này. Hiện có ghi nhận bệnh nhưng chỉ khoảng 800ha”, ông Vấn cho biết.

Bọ xén tóc thường gây hại trên các vườn điều già cỗi, ít chăm sóc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Trung tâm BVTV phía Nam, thực chất sâu bọ này là loài xén tóc, một đối tượng gây hại có tính thường xuyên và lâu nay cũng đã xuất hiện trên nhiều loại cây trồng khác.

Sâu đục thân và cành có vòng đời dài cả năm. Sâu gây hại chủ yếu trên các vườn điều già cỗi; trồng mật độ dầy, có tán rậm rạp và người trồng ít chăm sóc.

“Sâu đục thân, cành ở thời điểm này đã đến cuối điểm phát dục, không còn đáng ngại. Niên vụ điều mới sắp bắt đầu, Bình Phước và các địa phương khác cần tích cực phòng chống với các đối tượng bọ xít và thán thư”, ông Vấn lưu ý.

Tỉnh Bình Phước khẳng định mức độ thiệt hại do bọ xén tóc gây ra không quá nghiêm trọng như thông tin trước đó. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho biết, xén tóc là loại sâu gây hại thường xuyên, không có chuyện bị ảnh hưởng mấy chục ngàn ha như đã thông tin.

Sâu đẻ trứng vào các vết nứt trên vỏ cây, cách mặt đất khoảng 1,5m trở xuống. Sau đó sâu ăn phần vỏ mềm rồi đục sâu vào bên trong tạo thành những đường hầm ngoằn ngoèo. Nơi vết đục thấy phân và mạt cưa đùn ra ngoài. Khi sâu đục tròn một vòng quanh thân, mạch dẫn nhựa bị cắt đứt, cây chết khô dần.

Thường xuyên tạo tán, tỉa cành và siêng chăm sóc vườn điều là biện pháp được khuyến khích để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Loại sâu này đục phá có tính lựa chọn chứ không phải tất cả các cây. Cho nên có cây bị ảnh hưởng nặng, nhưng cũng có cây không hề hấn gì. Nếu nông dân quan tâm chăm sóc kỹ vườn điều thì không thấy nguy hiểm; hoàn toàn có thể loại trừ bằng các biện pháp cơ giới hoặc thủ công.

Chia sẻ điều này, cán bộ Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai kể, sâu đục thân là đối tượng luôn hiện diện nhưng mức độ gây hại trên địa bàn tỉnh này thời gian qua chưa cao. Tỷ lệ cao điểm năm 2018 so với tổng diện tích chỉ đạt 1,1%.

Các tỉnh trồng điều cần lưu ý các loại sâu bệnh có vòng đời ngắn như bọ trĩ, thán thư từng gây hại nghiêm trọng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện ở Đồng Nai, sâu đục thân hiện diện khắp các vùng trồng nhưng sự gây hại chỉ có tính cục bộ. Trên các vườn điều ít tỉa cành tạo tán thường bị thiệt hại nặng hơn các vườn khác vì sâu có nơi trú ngụ để hoàn tất vòng đời ngay trong thân cây, gây hại từ năm trước sang năm sau.

TS. Trần Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều khẳng định sâu đục thân, cành có vòng đời dài ngày; không phải đối tượng gây hại nghiêm trọng, khó gây nên dịch bệnh bùng phát.

Hiện một số vùng trồng điều đã trổ bông. Các tỉnh cần lưu ý các loại sâu bệnh có vòng đời ngắn như bọ trĩ, thán thư từng gây hại nghiêm trọng.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/thuc-hu-bo-xen-toc-hai-cay-dieu-nghiem-trong-den-noi-hot-hoang-923885.html