Thực hư bức ảnh Tổng thống Trump đi xuồng máy cứu hộ nạn nhân siêu bão Florence

Bức ảnh Tổng thống Trump ngồi xuồng máy cứu một người đàn ông giữa dòng nước lũ trong siêu bão Florence được cộng đồng mạng Mỹ chia sẻ chóng mặt.

Ngay sau khi được đăng tải trên Facebook, bức ảnh này đã thu hút tới hàng trăm nghìn lượt xem và 250.000 lượt chia sẻ. Nhiều người bày tỏ sự thán phục khi vị Tổng thống Mỹ xả thân lao vào rốn lũ cứu người dân.

Tuy nhiên, bức ảnh ngay sau đó đã bị lật tẩy là hình ảnh photoshop. Phóng viên Kevin Roose của New York Times thậm chí còn tìm ra bức ảnh gốc được chụp vào năm 2015 ở miền Trung Texas.

Bức ảnh Tổng thống Trump giải cứu nạn nhân siêu bão.

Trong ảnh gốc, 3 nhân viên cứu hộ của Sở Cứu Hỏa Austin tiếp cận một người đàn ông bị mắc kẹt giữa dòng lũ.

Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng kể cả không có bức ảnh gốc cũng có thể dễ dàng nhận đây là ảnh ghép bởi Tổng thống Trump không mặc áo phao và ông thực tế cũng không tham gia vào hoạt động cứu hộ sau siêu bão.

Thêm vào đó, nhà lãnh đạo trong bức ảnh đang đưa cho người đàn ông chiếc mũ đỏ "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" vốn đã làm nên thương hiệu của ông nhưng lại không giúp ích được gì cho một nạn nhân giữa dòng nước lũ.

Bức ảnh gốc.

Đây không phải là lần đầu tiên một bức ảnh ghép của Tổng thống Trump xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Năm 2017, rất nhiều người sau khi chia sẻ bức hình ông Trump giải cứu những con mèo trong một trận lũ lụt mới biết rằng đó là một sản phẩm photoshop.

Dân mạng nhanh chóng bóc mẽ hình ảnh Tổng thống Trump giải cứu những con mèo trong trận lụt năm 2017 là sản phẩm của photoshop.

(Nguồn: News.co.au)

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thuc-hu-buc-anh-tong-thong-trump-di-xuong-may-cuu-ho-nan-nhan-sieu-bao-florence-d428400.html