Thực hư điều trị ung thư bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (IBM WFO) góp phần thêm một trợ giúp trong lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư nhưng không thể thay thế bác sĩ điều trị.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo chỉ hỗ trợ, không thay thế bác sĩ trong điều trị ung thư

Bệnh nhân khỏi ung thư nhờ đâu?

Gần đây, BS. Trần Xuân Vĩnh, Trung tâm Ung bướu, BV Đa khoa Phú Thọ chia sẻ câu chuyện: Bệnh nhân N.T.B.L. phát hiện ung thư vú cách đây 8 tháng. Sau khi thăm khám, người bệnh được đánh giá có nhiều khối u bên ngực trái, khối lớn nhất đường kính lên tới 6cm, có tình trạng xâm lấn da, tụt núm vú. Hạch nách trái kích thước 2cm, di động kém. Chẩn đoán chị L. bị ung thư vú giai đoạn 3, đã di căn đến hạch. “Chúng tôi tư vấn cho chị sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology để cùng bác sỹ đưa ra phác đồ tối ưu, theo đó quá trình điều trị sẽ bắt đầu bằng hóa chất tiền phẫu AC-T liều dày (8 đợt, mỗi chu kì cách nhau 2 tuần), sau đó sẽ phẫu thuật triệt căn, xạ trị và điều trị nội tiết trong 5 năm. Hôm nay, chị L đến khám lại sau 8 chu kỳ hóa trị và thật tuyệt vời, khối u vú của chị gần như biến mất chỉ còn lại với kích thước 1,5cm, hạch nách hoàn toàn tan hết. Với kết quả khả quan này, chị L có cơ hội nhận được phẫu thuật triệt căn, cơ hội khỏi bệnh của chị lên tới 80 - 90%”, BS. Vĩnh chia sẻ.

Thông tin này lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội, tạo nhiều hi vọng cho những người bệnh không may mắc căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, điều đáng nói, nhiều người bệnh lại hiểu rằng, “đây là một phương pháp điều trị ung thư mới”, nhất là khi phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo được ca ngợi, thổi phồng như là “bác sĩ ảo”.

Theo BS. Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K T.Ư, BV ĐK Phú Thọ là một trong hai đơn vị đang thử nghiệm hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo IBM WFO để hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị. Hệ thống này dựa trên việc tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn liên quan tới điều trị ung thư. Bằng việc nhập dữ liệu của bệnh nhân, phần mềm WFO có thể đưa ra một số thông tin trong thời gian ngắn như: Gợi ý phác đồ điều trị, lịch trình kế hoạch điều trị, so sánh giữa các phác đồ điều trị… Được biết, hệ thống này được ứng dụng ở nhiều bệnh viện trên thế giới.

BS. Quảng cũng thẳng thắn nhìn nhận, phần mềm này giúp các bác sĩ tìm kiếm tài liệu rất nhanh, dữ liệu được cập nhật liên tục, phục vụ rất tốt cho đào tạo, đặc biệt là các bác sĩ trẻ ở tuyến dưới chưa có cơ hội tiếp cận với các phác đồ mới.Tuy nhiên, phần mềm này mới chỉ đưa ra được một số phác đồ hóa chất ở giai đoạn sớm, còn giai đoạn muộn rất hạn chế.

“Cần khẳng định, đây chỉ phương tiện giúp bác sĩ có thêm gợi ý, tham khảo trong quá trình điều trị, người bệnh không nên hiểu lầm đây là một phương pháp điều trị mới”, ông Quảng nhấn mạnh.

Trí tuệ nhân tạo không thay thế bác sĩ

BV K T.Ư thử nghiệm từ cuối tháng 1/2018 với sự tham gia khảo sát của 200 bệnh nhân, trong đó có 152 bệnh nhân ung thư vú, còn lại là bệnh nhân ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày. BV Đa khoa Phú Thọ áp dụng thí điểm từ tháng 2.

Ông Quảng cho biết sau thử nghiệm, kết quả cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ của hệ thống IBM WFO đưa ra với phác đồ của bác sĩ BV K T.Ư đạt trên 90%. Đồng nghĩa những phác đồ bác sĩ Việt Nam đang áp dụng tương đồng rất cao với phác đồ của các nước phát triển. Tuy nhiên, ông Quảng cho hay, hầu hết các bệnh nhân tham gia khảo sát đều ở giai đoạn sớm của ung thư, ở giai đoạn này thường có rất ít chỉ định.

Ông Quảng cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng phần mềm bằng cách đăng nhập thông tin của người bệnh dưới góc nhìn của bác sĩ điều trị nên có nhiều hạn chế. Cụ thể, phụ thuộc chủ quan của người đăng nhập thông tin. Ví dụ, cách đánh giá thể trạng của bệnh nhân, cách đo lượng kích thước u, hạch trên lâm sàng do sử dụng phương tiện đánh giá khác nhau giữa các bác sĩ và cơ sở điều trị. Tiếp đến là một số xét nghiệm trên hệ thống phần mềm khuyến cáo nhưng tại cơ sở điều trị không làm được, hoặc người bệnh không đủ điều kiện để làm như PET/CT, các xét nghiệm đột biến gen trong ung thư phổi, ung thư đại trực tràng. Vì vậy, thiếu dữ kiện sẽ khó đưa ra phác đồ chính xác cho bệnh nhân. Ngoài ra, hệ thống này mới hỗ trị điều trị 13 loại ung thư phổ biến, không hỗ trợ điều trị với người bệnh mắc nhiều loại ung thư một lúc, bệnh nhân dưới 18 hoặc trên 89 tuổi.

Tương tự, BS. Đào Văn Tú, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng của BV K T.Ư cũng nhận định: “Trí tuệ nhân tạo IBM WFO chỉ là công cụ để bác sĩ tham khảo, còn việc có chỉ định phác đồ đó hay không cần có hội đồng y khoa và thông qua hội chẩn kỹ lưỡng. Nhất là với xu hướng điều trị ung thư là cá thể hóa và việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của người bệnh. Vậy nên hệ thống này không thể thay thế bác sĩ trong việc khám, chẩn đoán và đưa ra các quyết định điều trị”.

Vũ Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/thuc-hu-dieu-tri-ung-thu-bang-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-d265030.html