Thực hư thông tin kêu gọi doanh nghiệp tự nguyện giảm tiêu thụ điện 30%

Vừa qua, có một số thông tin 'cơ quan chức năng của Việt Nam kêu gọi một số doanh nghiệp ở phía Bắc tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện', EVN khẳng định đây là thông tin không chính xác.

Ngày 22/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cơ quan này đã xây dựng các kịch bản cung ứng điện, thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Vì vậy từ đầu năm 2024 đến nay, việc cung ứng điện đã được đảm bảo tốt, EVN không có kế hoạch và không thực hiện tiết giảm nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.

EVN khẳng định không có chuyện kêu gọi DN tự nguyện giảm 30% lượng điện tiêu thụ.

EVN khẳng định không có chuyện kêu gọi DN tự nguyện giảm 30% lượng điện tiêu thụ.

"Vừa qua, có một số thông tin nói rằng cơ quan chức năng của Việt Nam kêu gọi một số doanh nghiệp ở phía Bắc tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện, đây là thông tin không chính xác", EVN khẳng định.

Trong tháng 6 và các tháng tiếp theo của năm 2024, EVN thông tin đã cập nhật tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện và đã xây dựng các phương án, kịch bản điều hành hệ thống điện để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong mọi tình huống.

Tuy vậy, để giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, EVN đề nghị các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân tiếp tục quan tâm phối hợp thực hiện việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2024.

Tại tọa đàm: Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống mới đây, ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho hay gần đây, chúng ta thấy rất rõ những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến NetZero. Theo đó, toàn thế giới phải chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

"Chúng ta thấy, hệ thống khu dân cư của các nước phát triển rất ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ, ví dụ năng lượng từ rác… Ở Việt Nam vấn đề đó đang khá chậm", ông Sơn đánh giá.

Quay lại câu hỏi phải chăng những chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó? Ông Sơn nhìn nhận vừa rồi, Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu bia, xử phạt rất nặng. Trong câu chuyện này, người dân tuân thủ và dần thói quen, hành động của người dân khác hẳn.

"Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục", vị chuyên gia đề xuất.

Đồng thời, chuyên gia Hà Đăng Sơn cho rằng vừa qua, giá năng lượng của Việt Nam ít nhiều đang được trợ giá. Đơn cử, nhà máy Ô Môn nhập khẩu dầu, khí phải bằng giá quốc tế. Việc mua sắm cho các nhà máy đó cũng là giá quốc tế nên chẳng có lý do gì giá năng lượng của chúng ta lại rẻ hơn thế giới.

Trước đó Reuters đưa tin Việt Nam đã yêu cầu Foxconn, nhà cung cấp của Apple tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện tại các nhà máy lắp ráp ở miền Bắc. Yêu cầu này, cũng được gửi tới nhiều nhà sản xuất khác, nhằm phòng ngừa tình trạng thiếu điện như mùa hè năm ngoái, gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD. Nguồn tin của Reuters cho biết, đây chỉ là sự khuyến khích, không bắt buộc và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Foxconn.

Việt Nam đang thu hút nhiều công ty đa quốc gia, trong đó Apple đã tăng số lượng nhà cung cấp từ 25 lên 35 trong năm qua. Việt Nam dựa vào đầu tư nước ngoài để tăng trưởng kinh tế và đang cố gắng thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất chất bán dẫn.

Theo Ngân hàng Thế giới, đợt nắng nóng năm ngoái đã gây ra tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, gây thiệt hại 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tình trạng này sẽ không tái diễn. Chính phủ đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than trì hoãn bảo trì để đáp ứng nhu cầu điện cao hơn trong những tháng nóng nhất.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/thuc-hu-thong-tin-keu-goi-doanh-nghiep-tu-nguyen-giam-tieu-thu-dien-30-1099937.html