Thực hư Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới đóng?

Triều Tiên đã phát triển một tàu ngầm mới có khả năng mang theo ít nhất 3 tên lửa đạn đạo và quốc gia này cũng sắp cho phóng thử nghiệm.

Đây là thông tin được hãng tin Yonhap công bố sau khi dẫn lời các quan chức Hàn Quốc thạo tin về chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.

“Hàn Quốc và Mỹ tin rằng, Triều Tiên đã hoàn thành chương trình đóng tàu ngầm mới mà Bình Nhưỡng từng hé lộ vào năm 2019”, Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho hay.

Trước đó, vào năm 2019, truyền thông Triều Tiên từng cho công khai bức ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi thị sát xưởng đóng một chiếc tàu ngầm mới.

“Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo từ chiếc tàu ngầm mới sau lễ hạ thủy”, các quan chức Hàn Quốc nhận định.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-5 được Triều Tiên trình làng trong lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 14/1. (Ảnh: KCNA)

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-5 được Triều Tiên trình làng trong lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 14/1. (Ảnh: KCNA)

Chiếc tàu ngầm thế hệ mới của Triều Tiên được cho là phiên bản cải tiến từ tàu ngầm lớp Romeo được sản xuất từ thời Liên Xô cũ. Chiếc tàu ngầm được Triều Tiên sản xuất tại xưởng đóng tàu Sinpo nằm ở bờ biển phía đông nước này. Thành phố cảng Sinpo cũng là quân cảng của hạm đội tàu ngầm Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn đang cho đóng một tàu ngầm mang kích cỡ lớn hơn và có thể mang theo các tên lửa đạn đạo hiện đại như tên lửa Pukguksong-4 và Pukguksong-5 từng được trình làng lần lượt vào năm 2020 và 2021 trong hai đợt diễu binh. Tại cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên trong năm nay, ông Kim cũng đã ra tuyên bố về việc quốc gia này sẽ cho phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Còn vào ngày 8/4, trang web 38 North cho hay Triều Tiên có thể chuẩn bị cho ra mắt một chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mới, cũng như chuẩn bị cho tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) hoặc đơn giản là thực hiện bảo dưỡng toàn bộ. Để chứng minh cho nhận định trên, 38 North đã cho công bố các hình ảnh vệ tinh đi kèm.

Lần đầu tiên Triều Tiên cho phóng SLBM là vào năm 2015 dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong-un và lần thử nghiệm gần nhất là vào năm 2019. Thậm chí, vụ phóng SLBM được Triều Tiên thực hiện vào năm 2019 diễn ra chỉ sau vài giờ Bình Nhưỡng thông báo đồng ý nối lại đàm phán hạt nhân với phía Mỹ.

Theo giới phân tích, ông Kim dường như muốn gia tăng sức ép với Mỹ để giành thêm ưu thế, trong bối cảnh Washington đang tái xem xét chi tiết chính sách đối ngoại với Bình Nhưỡng. Mỹ cũng từng tuyên bố sẽ vừa áp đặt lệnh trừng phạt, vừa đối thoại với Triều Tiên.

Trong tháng Ba, Triều Tiên đã bất ngờ cho phóng 4 tên lửa. Cụ thể, vào ngày 21/3, Bình Nhưỡng cho phóng 2 tên lửa hành trình và chỉ 4 ngày sau tức ngày 25/3, Bình Nhưỡng cho phóng thêm 2 tên lửa đạn đạo. Sau 2 sự kiện này, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ có “phản ứng”, nếu như Bình Nhưỡng chọn con đường leo thang căng thẳng. Điều này sẽ khiến Washington đưa ra “phản ứng tương xứng”.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/thuc-hu-trieu-tien-chuan-bi-phong-ten-lua-dan-dao-tu-tau-ngam-moi-dong-281506.html